Trong chuyến thăm Singapore ngày 30.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước cho rằng ASEAN cần đẩy mạnh thực hiện bốn nội dung then chốt, trong đó có nội dung lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng cần tôn trọng, giữ gìn. Ngày 31.8, TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính tại ISEAS, đã có bài viết "Việt Nam, ASEAN và thế lưỡng nan về "đồng thuận" đăng trên trang web Nghiencuuquocte.net.

Việt Nam, ASEAN và thế lưỡng nan về ‘đồng thuận’

07/09/2016, 12:37

Trong chuyến thăm Singapore ngày 30.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước cho rằng ASEAN cần đẩy mạnh thực hiện bốn nội dung then chốt, trong đó có nội dung lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng cần tôn trọng, giữ gìn. Ngày 31.8, TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính tại ISEAS, đã có bài viết "Việt Nam, ASEAN và thế lưỡng nan về "đồng thuận" đăng trên trang web Nghiencuuquocte.net.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 khai mạc tại Vientiane (Lào) ngày 6.9 - Ảnh: AP

Trong Bài giảng Singapore thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) chủ trì ngày 30.8.2016, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc định hình các phản ứng của khu vực đối với các mối đe dọa an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, tuyên bố rằng việc duy trì một “cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc, trong đó ASEAN đóng một vai trò trung tâm” là điều hết sức quan trọng.

Đáng chú ý là trong khi ca ngợi vai trò của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, Chủ tịch nước cũng ngầm thể hiện sự thất vọng của Việt Nam đối với sự bất lực của ASEAN trong việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp, một vấn đề chủ yếu do nguyên tắc đồng thuận của khối gây ra.

Trả lời một câu hỏi từ cử tọa về quan điểm của Việt Nam về vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, Chủ tịch nướcdù công nhận “đồng thuận” là một nguyên tắc cơ bản trong cách vận hành của ASEAN, nhưng cũng cho rằng do “các vấn đề mới phát sinh”, ASEAN nên xem xét thiết lập các cơ chế bổ sung để cho phép một mức độ linh hoạt nhất định nhằm quản lý tốt hơn những thách thức an ninh này.

Trong số các “vấn đề mới phát sinh” mà ông Quang đề cập tới có những khó khăn gần đây mà nguyên tắc đồng thuận gây ra cho việc định hình một quan điểm chung của ASEAN về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Đối thoại Singapore ngày 30.8 - Ảnh: TTXVN

Nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đặt ra tình thế khó xử đối với Việt Nam

Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã rất chú trọng sử dụng các cơ chế ASEAN để quản lý tranh chấp Biển Đông với các quốc gia yêu sách khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên tắc đồng thuận của ASEAN cũng đặt ra một tình thế khó xử đối với Việt Nam trong việc theo đuổi chiến lược này.

Trong khi nguyên tắc này cho phép Việt Nam về cơ bản có thể phủ quyết các chính sách và hành động của ASEAN nào có thể gây phương hại đến lợi ích quốc gia của mình, nó cũng làm hạn chế những nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo ra một lập trường chung giữa các quốc gia thành viên ASEAN về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Vì vậy, đề nghị của ông Quang rằng ASEAN có thể tính tới các cơ chế bổ sung nhằm vượt qua các khó khăn mà nguyên tắc đồng thuận của ASEAN gây ra phản ánh thực tế rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông đang chiếm vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự đối ngoại của Việt Nam, vượt lên trên những lợi ích khác mà nguyên tắc này có thể mang lại cho Hà Nội trong các vấn đề khác.

Đề nghị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể đáng được ASEAN xem xét nếu ASEAN muốn tăng cường hiệu quả của mình trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc có tác động lớn đối với an ninh khu vực.

Nó cũng trùng hợp với đề nghị của một số học giả khu vực cho rằng ASEAN cần đánh giá lại cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận của mình bằng cách loại bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên, đồng thời áp dụng nguyên tắc “ASEAN trừ nước X” thay vì sự đồng thuận đầy đủ trong việc giải quyết các vấn đề nhất định.

Để đề xuất này được thông qua bởi ASEAN, trước hết các quốc gia thành viên cần phải đạt được một sự đồng thuận về sự cần thiết phải thay đổi cơ chế làm việc nền tảng lâu nay của Hiệp hội. Nếu xét tình hình gần đây của ASEAN, triển vọng để các nước thành viên có thể để đạt được một sự “đồng thuận chống lại đồng thuận” như vậy, hoặc ít nhất là đồng ý về các cơ chế bổ sung cho nguyên tắc đồng thuận như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, có thể không cao.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và một số đối tác ASEAN khác có chung lợi ích và quan điểm có thể làm việc cùng nhau để hình thành các cơ chế tạm thời nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khẩn cấp, đặc biệt là liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Dù cách tiếp cận như vậy có thể ít nhiều làm suy yếu vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, nhưng đó có thể là một sự đánh đổi mà các thành viên ASEAN phải chấp nhận nếu họ kiên quyết muốn giữ vững nguyên tắc đồng thuận.

ASEAN phải xem lại cơ chế đồng thuận

Trước đó, TS Lê Hồng Hiệp đã có bài biên dịch với đầu đề "ASEAN phải xem lại cơ chế đồng thuận của mình" (Nguồn: Tang Siew Mun, “Asean must reassess its ‘one voice’ decision-making”, TODAY, 25.7.2016). Bài biên dịch viết:

Không có gì ngạc nhiên khi các ngoại trưởng của ASEAN không thể đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông gây tranh cãi ngày hôm qua tại cuộc họp hàng năm của họ (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào ngày 24.7).

Các điềm báo trước đã rõ ràng. Tháng trước, tại một cuộc họp đặc biệt với Trung Quốc tại Côn Minh, những rạn nứt trong ASEAN đã lộ rõ sau khi nhóm này rút một bản tuyên bố có chứa lời lẽ mạnh mẽ phê phán hành vi lấn lướt của Trung Quốc khi áp đặt các yêu sách của mình trong vùng biển chiến lược này do Bắc Kinh đã vận động các đồng minh trong nhóm ngăn chặn tuyên bố.

Tuy nhiên, lần này tác động lớn hơn nhiều khi sự việc xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi một Tòa Trọng tài tại La Haye ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện chống lại các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Rõ ràng, thế giới đang theo dõi xem liệu các bộ trưởng ASEAN có thể đưa ra được một tiếng nói chung về tầm quan trọng của việc tôn trọng phán quyết và tuân theo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hay không.

Một lần nữa, Campuchia được báo chí nhắc đến một cách rộng rãi là thủ phạm chính trong việc ngăn chặn sự đồng thuận của ASEAN về vấn đề này. Bóng ma của Phnom Penh đã hiện lên ám ảnh ASEAN lần nữa.

Khi Campuchia là Chủ tịch ASEAN vào năm 2012, nước này đã phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào một thông cáo chung các bộ trưởng ngoại giao. Kết quả là ASEAN đã phải chịu sự bẽ bàng khi lần đầu tiên trong lịch sử không thể đưa ra được một thông cáo chung.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia tháng 7.2012 đã không thể đưa ra tuyên bố chung - Ảnh: Phnom Penh Post

Lịch sử hiện nay có vẻ như sẽ được lặp lại, trừ khi các ngoại trưởng ASEAN và các quan chức cấp cao của họ bằng cách nào đó có thể đạt được lập trường chung ngày hôm nay hoặc ngày mai. Tuy nhiên, sẽ là một chiến lược thích hợp hơn cho ASEAN nếu chịu đựng sự mất mặt khi không đưa ra được một thông cáo chung thay vì phải chấp nhận một phiên bản “xuống nước” về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN sẽ không thể bị bắt làm con tin bởi những lợi ích hẹp hòi của một thành viên nào đó.

Chắc chắn là sự thống nhất của ASEAN sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng, nhưng điều này là một viên thuốc đắng đáng nuốt. Đồng thời, các diễn tiến gần đây đã nêu lên câu hỏi về phương hướng và tương lai chiến lược của ASEAN, khi tổ chức này không thể tiến hành được các cuộc thảo luận đáng tin cậy hoặc đưa ra được một lập trường về một vấn đề quan trọng mà nhiều người coi là một điểm nóng ngay trong sân nhà của tổ chức này.

Như các sự kiện tại Phnom Penh, Côn Minh và Vientiane đã chỉ ra, những gì hiệu quả đối với năm thành viên gốc của ASEAN ngày càng không hiệu quả đối với nhóm 10 thành viên hiện giờ.

“Cambrexit” (Campuchia rút ra khỏi ASEAN) không thể mãi là một câu hỏi không có lời đáp

Dù Trung Quốc là mẫu số chung của tất cả những “diễn tiến” này, ASEAN nên coi lại nội bộ của mình trước khi đổ trách nhiệm cho bên ngoài. Ở khía cạnh này, thật nản lòng khi dù khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các nước ASEAN nhưng Campuchia lại không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và không nhìn thấy khung cảnh chiến lược lớn hơn.

Campuchia không thể tiếp tục bỏ qua sự thất vọng ngày càng tăng của các thành viên ASEAN khác vì kiểu hành vi phá rối này của mình.

Mặc dù ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, nhưng vẫn có sự hiểu ngầm – và bắt buộc – rằng các nước phải có một mức độ trách nhiệm tập thể và hỗ trợ lẫn nhau nào đó.

ASEAN là một “hiệp hội”, không phải là một câu lạc bộ giải trí. Campuchia cần phải hiểu rằng ngăn chặn ASEAN để làm hài lòng Trung Quốc sẽ gây tổn thất lớn cho khả năng tồn tại của ASEAN trong vai trò bất kỳ dạng phương tiện nào để giải quyết các nhu cầu và thách thức trong khu vực. Campuchia phải quyết định tương lai của mình thuộc về ASEAN hay người hàng xóm lớn hơn, giàu có hơn của họ. ASEAN cũng nên xem xét liệu tương lai của mình có tốt hơn khi có hay không có Campuchia làm thành viên.

Hiện nay, không có quy định nào trong Hiến chương ASEAN – “tài liệu quy tắc hoạt động” của tổ chức khu vực này – nói về việc rút lui hay khai trừ một thành viên. Nhưng “Cambrexit” (Campuchia rút ra khỏi ASEAN) không thể mãi là một câu hỏi không có lời đáp nếu Campuchia tiếp tục phá hoại lợi ích chung của cả nhóm.

Đồng thời, rõ ràng là mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN vượt ra ngoài Campuchia, mặc dù Phnom Penh là người thoải mái nhất với việc sử dụng quyền phủ quyết của mình trong ASEAN.

Để tự cứu mình, ASEAN cần phải giải quyết các tác động tiêu cực của việc ra quyết định dựa trên đồng thuận. Quyền phủ quyết của bất kỳ nước thành viên nào sẽ phải bị loại bỏ. Thể chế hoá quy tắc “ASEAN trừ nước X” – một công thức cho sự tham gia linh hoạt thay vì một sự đồng thuận đầy đủ toàn khối – trong các vấn đề chính trị sẽ giúp kiểm soát “con ngựa thành Trojan” và giúp cải thiện tính hiệu quả cũng như cơ chế ra quyết định của ASEAN.

Đây là một trận chiến mà Asean phải chiến đấu và chiến thắng. Lựa chọn thay thế – giả vờ “giữ thể diện” và bộ mặt thống nhất – sẽ khiến ASEAN bị chế giễu và đối diện tương lai mù mịt. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ dẫn dắt cuộc chiến này?

(Tang Siew Mun là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore)

TS Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan
Thị trường chủ lực Mỹ có phải là 'điểm sáng' cho con tôm Việt Nam?
Liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, giữ thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
26 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam, ASEAN và thế lưỡng nan về ‘đồng thuận’