Trang Interesting Engineering đưa tin một nhóm nghiên cứu do Đại học Quốc gia Singapore (NUS) dẫn đầu vừa giúp công nghệ thu năng lượng đạt bước tiến đáng kể. Phát minh của họ có thể loại bỏ nhu cầu sử dụng pin trong nhiều thiết bị điện tử.
Nhóm phát triển bộ chỉnh lưu chuyển đổi tín hiệu tần số vô tuyến (RF) - thường bị xem như “năng lượng lãng phí” - thành điện áp một chiều (DC) sử dụng được.
Tín hiệu RT vốn do mạng di động cùng nguồn phát wifi tạo ra. Theo nhóm nghiên cứu: “Các công nghệ thu năng lượng từ RT chẳng hạn như công nghệ này rất cần thiết vì chúng làm giảm phụ thuộc vào pin, kéo dài tuổi thọ thiết bị, giảm thiểu tác động môi trường, tăng cường tính khả thi của mạng cảm biến không dây và thiết bị internet vạn vật ở vùng xa nơi không thể thay pin thường xuyên”.
Trong nghiên cứu, bộ chỉnh lưu vẫn chuyển đổi thành công mặc dù tín hiệu RT ở mức công suất dưới -20 decibel-milliwatt (dBm) – ngưỡng mà các công nghệ thu năng lượng hiện tại gặp khó khăn. Họ tích hợp nhiều bộ chỉnh lưu vào một module năng lượng để cấp điện cho đèn LED lẫn cảm biến thương mại.
Giáo sư NUS Yang Hyunsoo cho biết bộ chỉnh lưu truyền thống thường bị giới hạn về nhiệt động lực học lẫn hiệu ứng ký sinh ở mức công suất thấp. Bộ chỉnh lưu cấp nano không gặp vấn đề này mà lại nhỏ gọn hơn rất nhiều. Độ nhạy cùng độ hiệu quả cũng được cải thiện.
Nhóm nghiên cứu xếp bộ chỉnh lưu mới thành module. Mỗi module gồm 10 bộ chỉnh lưu đạt hiệu suất ấn tượng 7,8%. Họ dự định tích hợp thêm một 1 ăng ten để nâng cao độ hiệu quả, thử nghiệm nhiều cách thức kết nối nhằm tăng khả năng thu RF.