Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn về quản lý phát triển xã hội như vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, phân hóa giàu nghèo, già hóa dân số…
Theo dòng thời sự

Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn

Hoài Lam 04/12/2023 13:20

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn về quản lý phát triển xã hội như vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, phân hóa giàu nghèo, già hóa dân số…

Sáng 4.12, tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".

Thủ tướng khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Cụ thể, chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt. Đối tượng người có công với cách mạng được mở rộng với chế độ và chính sách ưu đãi phù hợp.

Hiện có hơn 1,2 triệu người có công và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.

Ngoài ra, việc bảo đảm an sinh xã hội chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hằng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022. Trong 3 năm phòng chống dịch COVID-19, nhà nước đã trợ giúp với số tiền trên 120.000 tỉ đồng và hơn 200.000 tấn gạo cho hơn 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn.

tt.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhà nước đã dành nguồn lực khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho chính sách xã hội; tỷ lệ thất nghiệp ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%; công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022. GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.110 USD năm 2022.

“Việt Nam về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và Phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. Việt Nam là điểm sáng trong toàn cầu, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Thủ tướng nêu.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng; người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo có nơi có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao; thị trường lao động phát triển chưa thực sự đồng bộ, đột phá về nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, các dịch vụ xã hội cơ bản chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; năng lực và nguồn lực bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn hạn chế…

Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong.

“Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn về quản lý phát triển xã hội. Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi và nguồn cung lao động. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu…”, Thủ tướng nêu.

Trình bày những nội dung chính của Nghị quyết 42, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý. Đó là tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường).

Về xây dựng nhà ở xã hội, đáng lưu ý là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Thủ tướng cho biết Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam phấn đấu là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Thủ tướng nhắc lại, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển".

Bài liên quan
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn