Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi được nhận định là một trong những đích đến của hàng hóa Trung Quốc.

Việt Nam đang trở thành đích đến của hàng hóa Trung Quốc

Phan Thị Diệu | 21/11/2019, 15:56

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi được nhận định là một trong những đích đến của hàng hóa Trung Quốc.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 10.2019, cả nước chi tới hơn 62 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trong khi nhập tăng mạnh thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia láng giềng này lại có chiều hướng sụt giảm.

Đến hết tháng 10 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt gần 33 tỉ USD, giảm khoảng 500 triệu USD so với cùng kỳ 2018. Các yếu tố nêu trên đẩy mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên mức kỷ lục khoảng 29 tỉ USD chỉ sau 10 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 9 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, con số xuất siêu trong 10 tháng đầu năm 2019 còn lớn hơn kết quả của cả năm 2018 (năm 2018 nhập siêu hơn 24 tỉ USD).

Trong khi đó, chỉ tính riêng mặt hàng rau quả, báo cáo của Cục Chế biến - Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PT-NT) cho thấygiá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 10 tháng năm 2019 của Việt Nam đạt 1,5 tỉ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 552 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 952 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù đứng sau Thái Lan, nhưng 9 tháng năm 2019, giá trị rau quả xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam lại tăng tới 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị xuất khẩu rau quả Thái Lan vào Việt Nam lại giảm tới 22,5%. Trái ngược với đà tăng mạnh của nhập khẩu, giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Úc và đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỉ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 7,3 % so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Chế biến - Phát triển thị trường nông sản nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến nông sản của Trung Quốc giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, quay lại tiêu thụ nội địa. Thị trường nhiều loại trái cây của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ diễn biến này.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, Trung Quốc liên tục tăng các hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Việc nhập khẩu tiểu ngạch cũng bị siết chặt, trong khi Trung Quốc mới chỉ đồng ý cho 9 loại trái cây của nước ta được xuất chính ngạch vào thị trường của họ. Đây cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằngnguyên nhân của việc Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng mạnh do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngay khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nước lớn nổ ra, không ít nhà chuyên môn và cơ quan quản lý đã cảnh báo nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tìm cách xâm nhập sang các thị trường khác để bù đắp cho kim ngạch thiếu hụt ở thị trường Mỹ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi là một trong những đích đến của hàng hóa Trung Quốc.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đang trở thành đích đến của hàng hóa Trung Quốc