Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 có ít nhất một vắc xin COVID-19 nội sản xuất thành công.

Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1 vắc xin COVID-19 trong 2021

P.V | 17/07/2021, 17:15

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 có ít nhất một vắc xin COVID-19 nội sản xuất thành công.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói điều này tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19 sáng 17.7, đồng thời cho biết đây luôn là vấn đề được các lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm.

Thủ tướng đã mời chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam với mục tiêu Việt Nam nhanh chóng sản xuất được vắc xin nội, “đảm bảo tự chủ về vắc xin cho nhu cầu của nhân dân”.

Làm sao để tranh thủ tận dụng tối đa hỗ trợ của chuyên gia WHO trong công nhận phòng xét nghiệm, công nhận tiến trình thử nghiệm lâm sàng và quan trọng nhất là công nhận vắc xin COVID-19 của Việt Nam để tiến tới tự chủ vắc xin và có thể xuất khẩu”, Trần Văn Thuấn cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lập các nhóm trao đổi, để kịp thời giải quyết mọi công việc liên quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 nhanh chóng.

Chúng ta ứng xử với công tác nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 trong nước với tinh thần khoa học, nhưng phải linh hoạt. Phấn đấu sớm nhất trong năm 2021 có một nhà sản xuất vắc xin trong nước thành công”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo báo cáo về tình hình nghiên cứu thử nghiệm vắc xin trong nước cũng như việc chuyển giao công nghệ.

Sau khi nghe những báo cáo này, các thành viên tham dự đã bàn thảo nhằm thống nhất kế hoạch mời chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, thúc đẩy quá trình thử nghiệm lâm sàng NanoCovax, COVIVAC trong nước.

Hội đồng chuyên gia thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, triển khai thử nghiệm lâm sàng các vắc xin được chuyển giao.

Ông Thuấn cũng đề nghị thành viên tổ công tác, các cục, vụ của Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước với phương châm chủ động, linh hoạt. Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ chủ động mời thêm chuyên gia hỗ trợ khi cần theo đúng thẩm quyền.

Thứ trưởng giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM là đơn vị đầu mối chính trong thử nghiệm lâm sàng, chủ động các điều kiện tham gia (nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện…).

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ Vắc xin COVID-19, hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vắc xin trong nước và chuyển giao công nghệ.

Hôm 14.7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 3439/QĐ-BYT thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19 do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm tổ trưởng.

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), từ ngày 6.3 đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 8.253.910 liều vắc xin thông qua 11 đợt chuyển về. Toàn quốc đã hoàn thành 3 đợt tiêm chủng và đang tổ chức 4 đợt với tổng cộng 4.079.066 mũi được thực hiện. Trong đó, 3.795.182 người được tiêm mũi một, 283.884 người đã hoàn thành đủ 2 mũi.

Hơn 13.000 người đã tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 Nanocovax của Việt Nam

Chiều 15.7, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (đơn vị sản xuất vắc xin Nanocovax), cho biết nhóm nghiên cứu của Học viện Quân Y và Viện Pasteur TP.HCM vừa hoàn thành tiêm mũi 1 cho hơn 13.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax ngừa COVID-19.

Như vậy trong vòng 13 ngày, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất tiêm mũi 1 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 3b vắc xin Nanocovax tại 4 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội có 2.000 tình nguyện viên, Hưng Yên 4.000, Long An 2.000 và An Giang 4.000. Ghi nhận ban đầu, các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định sau tiêm, phản ứng sau tiêm nhẹ và hết nhanh, không ghi nhận trường hợp nào bất thường.

Trước đó, giai đoạn thử nghiệm 3a trên 1.003 tình nguyện viên cũng đã hoàn thành mũi thứ nhất và đang hoàn tất tiêm mũi tiêm 2.

Đến cuối tháng 7.2021, nhóm nghiên cứu sẽ có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3a sau 42 ngày tiêm mũi 1.

Phía Nanogen cho biết đánh giá này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để nhóm nghiên cứu và Nanogen đệ trình Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax.

Cũng theo Nanogen, dự kiến trước ngày 15.8, tất cả 12.000 tình nguyện viên tham gia giai đoạn thử nghiệm 3b sẽ được tiêm mũi 2 để cuối tháng 8, đầu tháng 9 nhóm nghiên cứu sẽ có dữ liệu báo cáo Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế.

Nanogen cũng đang hoàn tất đề cương xin cấp phép thử nghiệm tiếp trên quy mô 1 triệu người. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, vắc xin Nanocovax có thể đạt hiệu quả bảo vệ khoảng 90% và giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong tương đương với các vắc xin trên thế giới.

Trước đó, vắc xin Nanocovax được biết đến là vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ cuối năm 2020.

Bài liên quan
U.23 Thái Lan bị loại cay đắng, giúp Việt Nam hưởng lợi khi gặp Uzbekistan
U.23 Thái Lan đã phải rời giải vô địch châu Á với vị trí cuối bảng C và giúp Việt Nam được xả hơi trong trận cuối gặp Uzbekistan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1 vắc xin COVID-19 trong 2021