Vào ngày 20.6, container vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên sẽ được Central Group Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
Đó là thông tintại "Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn" được tổ chức từ ngày 16.6-23.6 tại Hà Nội. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh giảm mạnh song chất lượng được cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 30.000 tấn vải, giá cao nhất lên đến hơn 70.000 đồng/kg.
Theo ông Tấn, toàn bộ vải thiều bán tại tuần lễ đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chất lượng hàng đầu chọn lọc từ các vườn. Những trái vải theo các quy trình này đã xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó một số nước khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản và được người tiêu dùng nước sở tại đánh giá cao. Sản phẩm được gắn tem, nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Hiện tại, vải thiều Bắc Giang đã được bán tại 5 trung tâm thương mại siêu thị BigC ở Hà Nội và hệ thống BigC các tỉnh miền Bắc; 12 điểm bán thuộc hệ thống siêu thị Hapro.
Đáng chú ý, từ ngày 20.6 (tức ngày mai), container vải thiều Lục Ngạn đầu tiên sẽ được Central Group Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, mở ra cơ hội lớn hơn cho trái vải thiều Việt Nam tiếp cận với thị trường nhiều tiềm năng khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ do Cộng đồng kinh tế ASEAN đã có hiệu lực.
Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất và các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2017 cho biết sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước tính đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, sản lượng vải thiều đạt Viet GAP đạt khoảng 40.000 tấn, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn Global GAP đạt khoảng 1.600 tấn. Vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ 15.6 đến 15.7.2017.
Tỉnh Bắc Giang cho biết hiện đã triển khai ứng dụng các công nghệ trong việc bảo quản vải thiều, cố gắng kéo dài thời gian bảo quản quả vải thiều tươi; từng bước hạn chế tính mùa vụđể phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường nước ngoài.
Năm 2017, dự kiến tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước khoảng 50.000 tấn, chiếm 50%, còn lạixuất khẩu khoảng 50.000 tấn.
Tuyết Nhung