Theo công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015, trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng, năm nay ghi nhận Việt Nam có sự cải thiện ở 5/10 lĩnh vực.

Việt Nam: Môi trường kinh doanh được cải thiện

Một Thế Giới | 02/02/2016, 05:47

Theo công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015, trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng, năm nay ghi nhận Việt Nam có sự cải thiện ở 5/10 lĩnh vực.

Chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện mạnh nhất

Đó là khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc với điểm số tăng 3,57 điểm phần trăm nhờ giảm thời gian thực hiện các thủ tục. Do trong Báo cáo Doing Business 2016 (công bố tháng 10.2015), WB chưa ghi nhận những thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2014 nên dự kiến sang năm 2016, chỉ số này của nước ta sẽ có điểm số và thứ hạng tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận điện năng đạt mức tăng cao nhất về điểm số (6,44 điểm phần trăm) và thứ hạng (22 bậc). Kết quả này đạt được nhờ nỗ lực giảm thời gian tiếp cận điện năng cho doanh nghiệp (từ 115 ngày xuống còn 59 ngày).

Tiếp cận tín dụng cũng có mức tăng điểm và thứ hạng tốt (tăng 5 điểm và 8 bậc) do Việt Nam có quy định đảm bảo quyền của người đi vay trong việc tìm hiểu thông tin tín dụng và phạm vi bao quát thông tin tín dụng rộng hơn.

Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội cải thiện 4 bậc, từ vị trí 172 lên vị trí 168, nhờ cắt giảm 40 giờ nộp thuế và 62 giờ nộp bảo hiểm xã hội; Giải quyết phá sản doanh nghiệp vẫn ở vị trí thấp (123/189 nền kinh tế).

Lĩnh vực không cải thiện hoặc giảm bậc

Theo đánh giá, vẫn còn 5 lĩnh vực không cải thiện hoặc giảm bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Đó là thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày). Đây là chỉ số duy nhất bị giảm điểm trong năm 2015.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đăng ký sở hữu tài sản thêm 1 thủ tục (từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục), điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới; Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư chưa được ghi nhận cải thiện do thời điểm kết thúc điều tra thì Luật Doanh nghiệp chưa có hiệu lực.

Đồng thời, giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do những bất cập về quản lý chuyên ngành, chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng.

Cải cách mạnh nhất ASEAN 4

Theo ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, so với ASEAN 4, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn; trong khi 3 nước gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng; Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

Những lĩnh vực có sự cải thiện về điểm số và thứ hạng của Việt Nam chủ yếu là do các Bộ, cơ quan liên quan, doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Kết quả khảo sát các Hiệp hội doanh nghiệp và Liên minh hợp tác xã cho thấy: 3 lĩnh vực nhận được đánh giá tích cực nhất là Thành lập doanh nghiệp (84%); Nộp thuế (75%); và Hải quan (68%).

Báo cáo cũng đánh giá rằng, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2015 có sự cải thiện tích cực trên đa số các lĩnh vực và được các tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận.

Dù thăng hạng liên tục trong những năm qua (từ năm 2012), nhưng Việt Nam vẫn chỉ ở vị trí trung bình của các bảng xếp hạng. Vẫn còn có những lĩnh vực không ghi nhận sự thay đổi nào và một số lĩnh vực còn kém thuận lợi hơn.

Đó là mức độ cạnh tranh trong nước; Tổng thuế suất; Rào cản phi thuế quan; các quy định liên quan đến doanh nghiệp FDI… Vấn đề tiền lương và năng suất lao động; thị trường chứng khoán; cấp phép xây dựng; đăng ký quyền sở hữu tài sản…

Hoàng Long


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam: Môi trường kinh doanh được cải thiện