Số trẻ em tham gia lao động toàn quốc là 731,6 nghìn, trong đó có gần 94,3 nghìn trẻ em phải làm các công việc có thể gây nguy hại cho chính bản thân các em.
Theo dòng thời sự

Việt Nam sẽ tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em

Lam Thanh 23/01/2025 13:43

Số trẻ em tham gia lao động toàn quốc là 731,6 nghìn, trong đó có gần 94,3 nghìn trẻ em phải làm các công việc có thể gây nguy hại cho chính bản thân các em.

94 nghìn trẻ em phải làm các công việc có thể gây nguy hại

Thông tin này được nêu ra tại Hội thảo công bố kết quả điều tra về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam năm 2023 do Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng 23.1.225.

Theo báo cáo, năm 2023, dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi của Việt Nam là 20,6 triệu người, chiếm 20,6% tổng dân số toàn quốc. Trong tổng số 20,6 triệu trẻ em từ 5 - 17 tuổi có 19,9 triệu trẻ “đang đi học”, chiếm 96,4%, trong đó có 94,8% trẻ em “chỉ đi học” và chỉ có 1,6% trẻ em phải “vừa học vừa làm”.

Những thành tựu đáng ghi nhận về tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc làm, tỷ lệ đi học của trẻ em từ 5 - 17 tuổi, giảm đói nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ em tham gia lao động.

Tuy nhiên, số trẻ em tham gia lao động toàn quốc là 731,6 nghìn. Đa phần trẻ em tham gia lao động đang cư trú ở khu vực nông thôn (84,6%).

Tỷ lệ trẻ em tham gia lao động là 3,5%, điều này có nghĩa là trong 100 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi thì có gần 4 em tham gia lao động. Tỷ lệ này giảm 5,6 điểm phần trăm so với năm 2018 khi tỷ lệ trẻ em tham gia lao động là 9,1%.

anh-man-hinh-2025-01-23-luc-12.42.16.png
Tỷ trọng trẻ em tham gia lao động theo vùng kinh tế - xã hội

Báo cáo nêu rõ trẻ em tham gia lao động thường bị hạn chế cơ hội được đi học, đa phần trẻ em tham gia lao động hiện không đi học, trên phạm vi cả nước có 403,2 nghìn trẻ em tham gia lao động không đi học (55,1%). Ở chiều ngược lại, đối với nhóm trẻ không tham gia lao động thì hầu hết trẻ em là đang đi học (98,3%), tỷ trọng trẻ em không đi học ở nhóm này chỉ chiếm 1,7%.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các em không đi học và phải tham gia lao động. Đáng lưu ý là nguyên nhân phổ biến nhất không phải xuất phát từ các vấn đề kinh tế hoặc các áp lực từ phía gia đình mà chủ yếu là do các em “không thích đi học/học kém”, chiếm 59,9%.

Đáng chú ý, cả nước có gần 94,3 nghìn trẻ em (chiếm 35,0% tổng số lao động trẻ em) phải làm các công việc có thể gây nguy hại cho chính bản thân các em.

Lao động trẻ em ở khu vực thành thị có nguy cơ phải làm công việc loại này cao hơn gấp 1,5 lần so với ở khu vực nông thôn, tương ứng là 47,9% và 31,9%. Tổng số có khoảng 32,6 nghìn trẻ em gặp phải ít nhất 1 vấn đề về sức khỏe do công việc, chiếm 12,1% lao động trẻ em.

Như vậy cứ 100 lao động trẻ em có khoảng 12 trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe, cao hơn ở nhóm trẻ tham gia lao động nói chung (12,1% so với 10,2%). Tỷ lệ trẻ em nam gặp phải vấn đề về sức khỏe cao hơn so với trẻ em nữ (13,5% so với 9,9%) và ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (14,1% so với 11,5%).

Ngoài ra, mức thu nhập bình quân chung của lao động trẻ em là khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, chưa bằng 1/2 mức thu nhập bình quân của những người lao động từ 15 tuổi trở lên (7,1 triệu đồng/người/ tháng).

Điều này cho thấy thu nhập bình quân mà lao động trẻ em tạo ra là thấp trong khi đó việc đi làm đã khiến các em mất đi cơ hội học tập và chuẩn bị các kiến thức tốt hơn cho tương lai. Không những thế, các công việc mà các em đang làm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của chính các em.

Do đó, việc tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em là điều cần thiết, rất quan trọng và cần sự có sự quan tâm từ những nhà quản lý.

Lao động trẻ em vẫn là thách thức toàn cầu

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17 tuổi của Việt Nam cũng là con số rất lớn; với khoảng 21 triệu trẻ em, chiếm khoảng 20,6% tổng dân số.

Bà Hương khẳng định Việt Nam luôn là một trong số các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các quyền trẻ em, cụ thể: Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990. Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp luật trong nước hài hòa với các quy định của Công ước và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

Tại Việt Nam, quyền được phát triển của trẻ em được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

z6255986671282_b99cba45057e09a5e3d7e75ddd4b12ac.jpg
Hội thảo công bố kết quả điều tra về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam năm 2023

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc, Văn phòng ILO tại Việt Nam đánh giá những nỗ lực của Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Việt Nam với tư cách là một quốc gia tiên phong Liên minh Toàn cầu 8.7 và phù hợp với các mục tiêu quốc tế nhằm xóa bỏ lao động trẻ em.

Mặc dù những tiến bộ đạt được trong năm năm qua rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn những thách thức. Nhiều trẻ em vẫn phải đối mặt với công việc nguy hiểm, làm việc quá số giờ cho phép và các rủi ro khác, đặc biệt là trong nông nghiệp và công nghiệp.

“Điều quan trọng là phải đặt sự tiến bộ của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. Lao động trẻ em vẫn là một thách thức toàn cầu. Theo ước tính mới nhất của ILO và UNICEF, lần đầu tiên sau hai thập kỷ, tiến bộ trong việc xóa bỏ lao động trẻ em đã bị đình trệ. Tác động của COVID-19 và các cuộc khủng hoảng phức tạp đã có nguy cơ đảo ngược những thành tựu khó giành được trong việc giải quyết lao động trẻ em”, đại diện ILO nói.

Ngoài ra, theo bà Ingrid Christensen, bất chấp những thất bại này, các chính sách chủ động của Việt Nam, cùng với sự cống hiến của các đối tác, đã góp phần giảm lao động trẻ em, tạo ra một tấm gương tích cực trong khu vực và toàn cầu. Khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế và hội nhập sâu hơn vào thương mại toàn cầu, việc xóa bỏ lao động trẻ em sẽ không chỉ bảo vệ quyền trẻ em mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những hình ảnh khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII
một phút trước Theo dòng thời sự
Chiều 23.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng (Hà Nội), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam sẽ tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em