Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là các dự án công nghệ cao trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư, như công nghiệp bán dẫn...
Kinh tế - đầu tư - dự án

Việt Nam sẽ ưu đãi cho Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn

Tuyết Nhung 19/12/2024 16:44

Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là các dự án công nghệ cao trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư, như công nghiệp bán dẫn...

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, ngày 19.12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024.

2024_12_19_08_03_509_92c16.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024, ngày 19.12

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, sau hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009, nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014, nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới năm 2023.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 ước đạt hơn 46 tỉ USD, chiếm 6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới với quy mô GDP khoảng 500 tỉ USD, đứng thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới. Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỉ USD và đang là thành viên đầy đủ của 18 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một trong những điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với sự hiện diện của gần 42.000 dự án, tổng vốn đăng ký trên 500 tỉ USD đến từ gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với kết quả đó, Việt Nam được Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển đưa vào danh sách 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Diên nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được của hai nền kinh tế là đáng ghi nhận và tự hào. Tuy nhiên, thời gian tới, hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; đòi hỏi những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn chú trọng đến việc xây dựng một nền công nghiệp xanh, sạch và bền vững. Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại COP28 diễn ra vào tháng 12.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG), trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng.

Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh các nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp và năng lượng; đồng thời triển khai nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hướng tới mục tiêu Net Zero.

Với thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ cao và trình độ quản trị hiện đại, Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là các dự án công nghệ cao trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: Công nghiệp bán dẫn, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Bộ Công Thương và các bộ ngành của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Đồng thời, Việt Nam cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật và tương xứng với mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Và ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan chức năng của Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh tại đây.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, trong các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước thời gian vừa qua, hai bên đều khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác quan trọng nhất của nhau trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục… Hiện nay, hai nước cũng đang ngày càng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ bán dẫn...

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo có nhiều phức tạp, khó lường, nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội mới, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã xác định cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng...; nhưng đồng thời cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó chuyển đổi số là động lực lớn.

Bài liên quan
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Czech, chiều ngày 19.1 (giờ địa phương), tại thủ đô Praha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt, làm việc với các đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam sẽ ưu đãi cho Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn