Một yếu tố quan trọng cần lưu ý khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông là tiêu chuẩn Halal. Do đa số các quốc gia Trung Đông theo đạo Hồi, sản phẩm thủy sản phải được chứng nhận Halal để đảm bảo tính hợp pháp theo tôn giáo.
Trong năm 2024, khu vực Trung Đông đã nổi lên như một thị trường tiềm năng cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với mức tăng trưởng 18%, đạt doanh thu 334 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, chiếm gần 4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Dự kiến, đến cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang khu vực này sẽ đạt hơn 360 triệu USD, nằm trong Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản có tăng trưởng mạnh nhất, sau Trung Quốc.
Trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Trung Đông, cá ngừ và cá tra là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt 31% và 40% xuất khẩu thủy sản sang khu vực này. Cá ngừ ghi nhận mức tăng trưởng 44%, đạt gần 105 triệu USD trong 11 tháng, với cá ngừ đóng hộp và đóng túi xuất khẩu sang khu vực này tăng gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm cá ngừ đóng hộp, đặc biệt là trong dầu hoặc nước muối, đang được người tiêu dùng Trung Đông ưa chuộng nhờ vào sự tiện lợi và khả năng bảo quản lâu dài. Do vậy, sản phẩm đóng hộp và đóng túi chiếm gần 70% xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Trung Đông.
Bên cạnh cá ngừ, cá tra cũng là một sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Trung Đông, với mức tăng trưởng 13%, đạt trên 134 triệu USD. Cá tra phi lê, cắt khúc và cá nguyên con đông lạnh tiếp tục chiếm ưu thế nhờ vào tính tiện lợi và dễ chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng tại khu vực này.
Trung Đông, với các nền kinh tế mạnh mẽ như Israel, Ả Rập Saudi, UAE và Qatar đang trở thành một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản tiềm năng nhất. Những quốc gia này không chỉ có nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao mà còn có những tiêu chuẩn khắt khe như yêu cầu sản phẩm phải được chứng nhận Halal, điều này tạo ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Israel là quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong khu vực, chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Đông, chủ yếu là cá ngừ đóng hộp. Mức tăng trưởng của thị trường này lên tới 35% trong 11 tháng đầu năm 2024. Các quốc gia khác như: UAE, Ả Rập Saudi, Qatar và Kuwait cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Ví dụ UAE có mức tăng trưởng đạt 28%, trong khi Ai Cập và Iraq cũng tiếp tục gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm cá tra.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 19.12 cho biết một yếu tố quan trọng cần lưu ý khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông là tiêu chuẩn Halaltiêu chuẩn Halal là tiêu chuẩn bao gồm các quy định, thể hiện sự phù hợp dành cho các khách hàng, người tiêu dùng thực phẩm là người Hồi giáo (theo đạo Hồi). Do đa số các quốc gia Trung Đông theo đạo Hồi, sản phẩm thủy sản phải được chứng nhận Halal để đảm bảo tính hợp pháp theo tôn giáo. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến, giết mổ và bảo quản thủy sản.
Ngoài ra, những thách thức về tình hình chính trị và xung đột khu vực cũng có thể tác động đến chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Trung Đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Đông đang chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là việc giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, các quốc gia như: Israel, UAE, Ả Rập Saudi và Qatar vẫn duy trì nhu cầu cao về thủy sản, tạo cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.
"Tóm lại, Trung Đông là một thị trường xuất khẩu thủy sản đầy tiềm năng, với mức tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao. Các sản phẩm như cá ngừ, cá tra và một số loại cá nước ngọt khác có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại khu vực này. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cần chú trọng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal và chuẩn bị kỹ lưỡng trước những yếu tố ảnh hưởng như tình hình chính trị và xung đột khu vực. Với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Đông, ngành thủy sản Việt Nam có thể hy vọng vào sự phát triển bền vững tại thị trường này trong tương lai", đại diện VASEP nhận định.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Quảng Ninh cho biết trong những năm qua, tình hình xuất khẩu thủy sản của công ty sang các thị trường ở EU bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU, nên doanh nghiệp đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Halal. Có thể thấy, đây là thị trường tiềm năng với công ty nếu công ty có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Halal. Đặc biệt, đơn ngày một tăng, tăng 30% so với năm ngoái. Vì vậy, công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, đặc biệt các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
Để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận Halal. Các nước Hồi giáo chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí này để xuất khẩu bền vững.
Trước kia, sản phẩm Việt Nam vào thị trường Hồi giáo phải trả thuế nhập khẩu. Gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều ưu đãi thuế, giảm quy trình thủ tục để xuất khẩu hàng Việt có chứng nhận Halal. Vì thế, doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội này.
Đặc biệt mới đây, trong chuyến thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo cấp cao UAE đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Như vậy, CEPA được ký kết chỉ sau hơn một năm đàm phán. Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ được nâng cấp và ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ả Rập nói chung.
Đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống logistics, hạ tầng cảng biển hiện đại, UAE là cửa ngõ quan trọng và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra các thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Hơn nữa, dân số tăng, thu nhập cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản, các lượt tìm kiếm trực tuyến các sản phẩm hải sản đã tăng trong những năm gần đây dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản tại khu vực này.