Hiện tại, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều.
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” ngày 20.8, Bộ LĐTB-XH, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%; tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra những bất cập.
Trong đó nổi lên là áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển…
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và chắc chắn cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, nguồn cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
Về cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ 'hiện đại', chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Tổng cầu của nền kinh tế hiện tại thể hiện thông qua số người đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.
Nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, trình độ và kỹ năng thấp, phát triển không đồng đều.
“Chúng ta thấy đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ”, ông Dung nói.
Thêm vào đó, phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối. Năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động, thiếu các chuyên gia và đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động có hiệu quả….
Cũng theo lãnh đạo Bộ LĐTB-XH, Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.
Ông Dung cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mà nếu tận dụng được, thị trường lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững như kỳ vọng.
Để khơi thông các điểm nghẽn của thị trường lao động, cần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, tạo việc làm có năng suất cao; thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…
Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, quản lý và điều tiết phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách; hỗ trợ tối đa cho người lao động, doanh nghiệp tham gia thị trường lao động; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động…
Ông Dung cũng cho rằng, cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động trước, trong và sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như: trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối…