Trong Báo cáo kiểm toán về hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 mới công bố, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra Vietcombank đã tính "thiếu" khoảng 9,8 tỉ đồng cho khách hàng trong năm 2015. Với hiện trạng công nghệ từ năm 1998 và khung quản trị rủi ro hiện tại của Vietcombank, việc khắc phục các hạn chế này rất khó khăn.
Từ năm 2001 đến nay, các khoản lãi phát sinh hàng tháng của nhiều tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) trả đủ cho khách hàng.
Cụ thể Vietcombank đã thực hiện theo Công văn 309 của Ngân hàng Nhà nước ngày 19.1.2001 về hướng dẫn chương trình ngân hàng bán lẻ, trong đó “các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn sẽ được tự động trả lãi định kỳ ngày 25 hằng tháng không phân biệt ngày nghỉ, lễ và mức lãi tối thiểu được trả cho khách hàng là 1.000 đồng và 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với ngoại tệ khác”.
Do đó từ năm 2001 đến nay (16 năm), các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm của ngân hàng này tính và hạch toán đầy đủ.
Với bình quân 9,53 triệu tài khoản tiền gửi không kỳ hạn trong năm 2015, Vietcombank chỉ trả lãi đầy đủ cho gần 30% số tài khoản. Còn lại, bình quân có tới 6.692.027 tài khoản không được trả lãi đầy đủ hàng tháng. Qua kết quả phân tích dữ liệu trên hệ thống phần mềm, Kiểm toán Nhà nước xác định báo cáo tài chính năm 2015 của Vietcombank chưa phản ảnh đầy đủ số lãi phải chi trả cho khách hàng số tiền 9.766.135.153 đồng.Như vậy, đã có khoảng 9,8 tỉ đồngtiền lãi bị hạch toán thiếu vì Vietcombank không chi trả các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân là do Vietcombank cài đặt tính toán số lãi tiền gửi không kỳ hạn chưa phù hợp quy định tại Điều 6 Quyết định số 652/2001/QĐ- NHNN ngày 17.5.2001 về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Trong đó quy định Tổ chức tín dụng quy định định kỳ tính và hạch toán thu, trả lãi phù hợp với đặc thù hoạt động và yêu cầu quản lý của tổ chức mình nhưng phải đảm bảo toàn bộ các khoản lãi dự thu, dự chi, thực thu - thực chi và phân bổ được tính, hạch toán đầy đủ, chính xác vào tài khoản thu nhập hoặc chi phí trong tháng cuối quý, cuối năm tài chính.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị Vietcombank cầnthực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng phát sinh năm 2015, với số tiền gần 9,8 tỉ đồng nói trên, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo đúng quy định.
Còn đối với số liệu từ nhiều năm trước đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết không thể xác định số lãi phải trả khách hàng. Mặt khác, nhiều tài khoản đã tất toán những năm trước, việc xác định đúng tên khách hàng theo từng tài khoản để thực hiện chi trả rất khó khăn.
Cũng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, với hiện trạng công nghệ từ năm 1998 và khung quản trị rủi ro hiện tại của Vietcombank, việc khắc phục các hạn chế trênrất khó. Nguyên do là việc đánh giá rủi ro, thiết kế thay đổi, nâng cấp ứng dụng trên hệ thống phần mềm lõi cũ khó thích ứng, hạn chế về dung lượng.
Theo kế hoạch, một số ngân hàng, tổ chức tín dụng khác cũng sẽ được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trongnăm 2017như VietinBank, BIDV, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam DATC, OceanBank và GPBank.
Thi Anh