Hai hãng hàng không Việt Nam là Vietjet Air và Bamboo Airways mới đây đều thông báo rằng, họ đã ký với Tập đoàn Boeing của Mỹ thỏa thuận mua tổng cộng đến... 110 máy bay. Việc đầu tư mua máy bay có vẻ đang đi nhanh hơn so với việc đầu tư hạ tầng hàng không.
Một bài viết mới đây trên Nhịp Cầu Đầu Tư đã phân tích rõ về vấn đề trên khi đưa ra nhận định, hàng không là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh của Việt Nam với sự gia tăng về số lượng máy bay, hành khách và cả vận tải.
Theo số liệu từ Cục Hàng không, năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% và trên 400.000 tấn hàng hóa, tăng 27,2% so với 2017. Tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm 2018 ước đạt 71,4 triệu khách, tăng 15% so với năm 2017.
Số liệu từ Sách trắng Logistics 2018 còn cho thấy tần suất khai thác hạ tầng hàng không cho vận tải hàng hóa luôn ở mức cao, tốc độ trung bình từ 15,6%/năm trong giai đoạn từ năm 2011-2017, do vận tải hàng hóa bằng đường hàng không chiếm khoảng 25% giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) thì dự báo, Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ 5 thế giới về lượt khách hàng năm trong giai đoạn 2015-2035, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,7%/năm, cao hơn mức 3,9%/năm của thế giới và 4,6%/năm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó phải đến năm 2030, nếu Quyết định 236/QĐ-TTg do Thủ tướng phê duyệt ngày 23.2.2018 được hiện thực hóa, Việt Nam mới có thể có 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế, trong đó Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm.
Trong khi hạ tầng hiện chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng của ngành thì nay các hãng lại đua nhau tuyên bố mua thêm máy bay mới. Việt Nam có 5 hãng bay là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO và Bamboo Airways. Chỉ riêng Vietjet Air trong 2 năm 2018-2019 đã thông báo liên tục đặt mua thêm máy bay mới với số lượng lớn, chừng 100 chiếc mỗi năm.
Hạ tầng lâu nay vẫn là bài toán khó đối với ngành hàng không Việt, bài viết nhận định. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 22 cảng hàng không hoạt động gồm 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa với hạ tầng hạn chế. Tuy nhiên, chỉ có 4 cảng hàng không trong đó có nhà ga hàng hóa riêng biệt. Các cảng hàng không còn lại không có nhà ga hàng hóa, toàn bộ hàng hóa xử lý trong nhà ga hành khách.
Thậm chí, cho đến nay chỉ các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất mới có trung tâm logistics phục vụ xử lý hàng không. Do đó, các công ty chuyển phát nhanh của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như DHL, FedEx, Kerry Express… phải tự đầu tư nhà ga riêng.
Bộ GTVT thậm chí còn đặt mục tiêu cho năm 2020, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 131 triệu hành khách/năm và 2,2 triệu tấn hàng hóa, đồng thời quy hoạch số lượng máy bay các loại (cả chở khách và hàng hóa) là 250-270 chiếc...
Với thực tế nêu trên, hạ tầng hàng không đang tiếp tục gánh trên vai những áp lực rất lớn, dẫn đến mục tiêu đứng thứ tư trong khối ASEAN về sản lượng vận chuyển, phát triển đội máy bay và hệ thống cảng của hàng không Việt Nam có thể sẽ trở nên xa vời hơn, bài viết trên NCĐT kết luận.
T.H