Hiện nay nhiều mặt hàng nông sản ở Vĩnh Long, Tiền Giang... bắt đầu tăng giá, việc giao thương thuận lợi hơn thời kỳ mới bắt đầu giãn cách chống dịch COVID-19.

Vĩnh Long, Tiền Giang: Một số nông sản bắt đầu tăng giá

Văn Kim Khanh - Mỹ Tho | 15/09/2021, 21:40

Hiện nay nhiều mặt hàng nông sản ở Vĩnh Long, Tiền Giang... bắt đầu tăng giá, việc giao thương thuận lợi hơn thời kỳ mới bắt đầu giãn cách chống dịch COVID-19.

Mấy ngày gần đây, gia đình bà Võ Thị Ngọc Diệp ở ấp Hòa Lạc, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) rất phấn khởi vì giá ớt tăng lên đến 35.000 đồng/kg, gấp 2-3 lần so với nửa tháng trước. Năng suất ớt hiện nay đạt khá cao, hơn 10 tấn/ha/vụ.

Bà Diệp cho biết: “Tôi trồng 3.000 m2 ớt, giống ớt Sen Hồng 084. Do giống ớt này kháng bệnh tốt nên người dân ở đây trồng nhiều. Giá ớt hôm nay lên đến 35.000 đồng/kg, trong khi trước đây bán chỉ được 13.000-15.000 đồng/kg. So với lúc mới giãn cách chống dịch, giá ớt nay tăng cao gần gấp 3 lần”.

Ớt là một trong các loại cây màu cho kinh tế cao ở tỉnh Tiền Giang, được nông dân trồng dưới chân ruộng. Hàng năm, nông dân trong tỉnh gieo trồng cả nghìn ha, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông...

dua-tg.jpg
Khóm Tiền Giang bắt đầu tăng giá - Ảnh Mỹ Tho

Tại vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước (Tiền Giang), nông dân cũng rất vui vì đầu ra trái khóm (dứa) thuận lợi hơn so với tuần trước. Giá khóm từ 3.000 đồng/kg nay đã tăng lên hơn 5.000 đồng/kg. Việc ra đồng thu hoạch, vận chuyển khóm ra vào địa bàn cũng có phần thuận lợi hơn trước đây.

Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước phấn khởi cho biết: “Hôm qua tôi cân được 8 tấn khóm giá 5.200 đồng/kg. So với mấy ngày trước giá khóm nay lên rất nhiều, trước đây giá chỉ 2.500-3.000 đồng/kg. Nông dân ở đây rất phấn khởi vì bán khóm được giá cao, đường vận chuyển cũng thuận lợi hơn trước”.

Ở thời điểm này, giá nhiều loại nông sản khác ở tỉnh Tiền Giang như thanh long, cam và các loại rau màu... cũng tăng đến vài nghìn đồng/kg so với tuần trước. Đặc biệt, mít Thái cũng giữ mức giá trên 30.000 đồng/kg, cho lợi nhuận đáng kể.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, vấn đề đi lại, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn; trong đó sản xuất nông nghiệp nói riêng cũng gặp nhiều trở ngại. Việc tháo gỡ dần các rào cản, nhất là khơi thông vận chuyển hàng hóa đã giúp cho nhiều mặt hàng nông sản tăng giá, tạo tín hiệu vui cho nông dân trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ổn định.

Tại Vĩnh Long hiện nay, các mặt hàng nông sản như cam sành, mít Thái đang được giá. Nhiều nông dân ở Tam Bình, Trà Ôn năm nay không bị thất bát do dịch bệnh mà còn kiếm sống được nhờ các nông sản này. Bà Võ Thị Phụng, người trồng cam sành ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) cho biết: “Tôi có 5 công cam sành, năm nay thu hoạch hơn 20 tấn.  Cân mão cho vựa được 13.000-15.000 đồng/kg (cân bao gồm cả loại tốt và loại xấu - PV). Với giá này năm nay nhà vườn trúng đậm”.

cam-sanh-tl.jpg
 Cam sành Tam Bình - Ảnh TL

Tam Bình có gần 8.000 ha cam, mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng trăm ngàn tấn cam. Vào mùa cam, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải về các vựa cân hàng. Cam sành Tam Bình tiêu thụ nhiều nhất là ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung, miền Bắc...

Anh Huỳnh Văn Bi, chủ vựa trái cây ở Tam Bình cho biết: “Hiện nay chúng tôi thu mua cam sành giá từ 12.000-15.000 đồng/kg. Riêng mít Thái giá cũng đang tăng, vựa mua từ 28.000-32.000 đồng/kg. So với các năm trước, giá mua vào của các vựa trái cây năm nay cao do nhu cầu tăng lên”.

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay cam sành và mít Thái là hai mặt hàng bán chạy, hút hàng. Diện tích mít Thái Vĩnh Long không nhiều nhưng cam sành thì có diện tích rất lớn. Toàn tỉnh có hơn 12.000 ha đất trồng cam sành. Sản lượng cam sành hằng năm lên tới khoảng 500.000-600.000 tấn. Vậy mà năm nay cam sành ở Vĩnh Long không đủ để tiêu thụ. Hiện nay chỉ có khoai lang còn giá thấp, từ 1.000-3.000 đồng/kg, do ảnh hưởng dịch bệnh và thị trường xuất khẩu".

Bài liên quan
Thủ tướng chỉ rõ '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh' khi thực hiện quy hoạch tỉnh Tiền Giang
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm trong thực hiện quy hoạch tỉnh Tiền Giang là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Long, Tiền Giang: Một số nông sản bắt đầu tăng giá