VKS nêu rõ nếu được giao kiểm tra mà thấy bản thân không đủ năng lực, hãy mạnh dạn từ chối.
Chiều muộn 22.11, VKS tiến hành đối đáp với các luật sư trong vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Theo quan điểm đối đáp của VKS, 100% các bị cáo và luật sư đều xác định cáo trạng truy tố là không oan, đúng người, đúng tội và đề nghị VKS xem xét mức hình phạt đối với các bị cáo.
Làm rõ phương thức che giấu việc được giảm giá
VKS truy tố các bị cáo tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với khung hình phạt từ 10 – 15 năm tù. Tuy nhiên, VKS đã cân nhắc, đánh giá mức độ, bối cảnh, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân của từng bị cáo để đưa ra mức hình phạt phù hợp. Đề nghị đó không những thể hiện sự nghiêm minh mà còn thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
Đối với bị cáo tại Bộ Y tế, VKS cho biết cũng đã cân nhắc đề nghị mức án phù hợp, trong đó có 3 bị cáo được hưởng án treo.
Như vậy, phần đề nghị mức án của VKS đã được phân loại, có căn cứ, có cơ sở; còn quyền quyết định là ở HĐXX. VKS cũng đề nghị HĐXX cân nhắc tới đề nghị của VKS.
Đối đáp lại quan điểm của các luật sư về những nội dung trong vụ án, VKS nêu rõ tài liệu điều tra thể hiện rõ bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) và Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) khai rằng được bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) cho biết đã được giảm giá mua nguyên liệu.
Theo VKS, việc hạch toán giám giá từ ngày 31.3.2006, trước cả thời điểm thanh toán cuối cùng cho Mambo. Điều này cho thấy các bị cáo phía Công ty CP Dược phẩm Cửu Long nắm rõ thông tin không phải trả cho Mambo.
Theo VKS, đây là chứng cứ thiết thực xác định phía Công ty CP Dược Cửu Long được giảm giá. VKS cho rằng đây là phương thức công ty đã sử dụng để che giấu việc giảm giá. Ngoài ra, đánh giá trong vụ án này, VKS nhận thấy đến tháng 8.2006 mới có thư giãn nợ… Và thực tế, phía Công ty đã chia cổ tức.
VKS xét thấy việc này kéo dài trong thời gian dài, đến khi bị Thanh tra kiểm tra mới có hoạt động làm báo cáo gửi Bộ Y tế, nhưng thực chất là nhằm mục đích thể hiện báo cáo thanh toán rồi... nhưng bằng việc hợp thức hồ sơ. Tất cả điều này do các bị cáo dựng lên để hợp thức hồ sơ, che giấu việc giảm giá mua nguyên liệu.
Theo VKS, vụ án này xảy ra rất lâu nên cũng có những khó khăn nhất định, tài liệu nhiều, số liệu lớn nên việc các bị cáo không nhớ số liệu là điều bình thường. Tuy nhiên, lời khai của các bị cáo đều thể hiện những điểm chung, thể hiện việc các bị cáo tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đều liên quan đến sai phạm đã được thể hiện rõ trong cáo trạng.
VKS cũng đánh giá các bị cáo tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đều nhận tội, không quanh co, không đổ lỗi, rất bản lĩnh.
Các bị cáo tại Bộ Y tế không làm tròn vai
Liên quan đến các bị cáo trong nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo VKS, luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) không làm tròn vai trò của Trưởng đoàn kiểm tra. Sau đó bị cáo Cao Minh Quang chỉ đạo tập hợp thông tin, xin ý kiến của các đơn vị liên quan. VKS đánh giá bị cáo Hùng có vai trò cao hơn nhưng về mức độ cũng không có sự chênh lệch lớn.
Cũng tại phần đối đáp, VKS nêu rõ hậu quả có trước, hành vi có sau. Hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo tại Bộ Y tế là đã không làm tròn vai; nếu được phát hiện, ngăn chặn sẽ không có vụ án này.
Đặc biệt, VKS nêu rõ nếu được giao kiểm tra mà thấy bản thân không đủ năng lực, hãy mạnh dạn từ chối, đó mới là có trách nhiệm. Nếu giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, nếu không thì đứng sang một bên, để người đủ năng lực làm.