Sau khi tuyên bố vỡ nợ 200 tỉ đồng, chủ tiệm vàng lớn nhất tỉnh Đồng Nai thách thức: “Ai kiện cứ kiện”. Nhiều người đặt câu hỏi liệu đây là vụ vỡ nợ thật hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Vỡ nợ hay giở chiêu?

Một Thế Giới | 23/12/2013, 10:49

Sau khi tuyên bố vỡ nợ 200 tỉ đồng, chủ tiệm vàng lớn nhất tỉnh Đồng Nai thách thức: “Ai kiện cứ kiện”. Nhiều người đặt câu hỏi liệu đây là vụ vỡ nợ thật hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Liên quan đến vụ tuyên bố vỡ nợ với số tiền lên đến hơn 200 tỉ đồng của chủ tiệm vàng Ý Loan tại phường Tân Biên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngày 22-12, thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết đã nhận được một số đơn tố cáo của các chủ nợ, hiện vụ việc đang được xem xét, làm rõ.
Tán gia bại sản
Nhiều ngày qua, hàng trăm tiểu thương bao vây tiệm vàng Ý Loan đòi nợ gây náo loạn cả khu vực. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số người huy động vốn cho chủ tiệm vàng Ý Loan vay, chủ yếu là các tiểu thương ở hai chợ Thái Bình, Hòa Bình, gần khu vực tiệm vàng. Riêng ở chợ Thái Bình đã có gần 50 tiểu thương bị “dính trái đắng”.
Theo các chủ nợ, lúc đầu nhiều người chỉ huy động tiền nhàn rỗi của những người trong gia đình để cho chủ tiệm vàng Ý Loan vay.
Về sau, thấy chủ tiệm vàng trả lời cao, nhiều người đã đi vay của những người khác cho chủ tiệm vàng vay lại để hưởng chênh lệch.
Thậm chí, có người đã cầm cố tài sản. Trong số các chủ nợ, có người cho vay hàng chục tỉ đồng, để rồi khi vợ chồng chủ tiệm vàng này tuyên bố vỡ nợ, họ đối mặt với nguy cơ phải “ra đường” vì đã vay nợ, cầm cố nhà cửa.
Bà N., một tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Thái Bình, cho biết từ đầu năm nay do công việc buôn bán khó khăn, nghe tin chủ tiệm vàng huy động vốn với mức lãi cao, bà đã gom 2 tỉ đồng của gia đình, bà con cho vay để kiếm lời.
Ngoài ra, bà N. còn huy động hơn 10 tỉ đồng từ hơn 20 người quen khác đem cho chủ tiệm vàng vay để hưởng mức chênh lệch. Hiện bà phải bán 2 căn nhà được hơn 2 tỉ đồng để trả cho người quen, sạp hàng ở chợ cũng có nguy cơ mất.
Bà T., chủ một sạp quần áo, cho chủ tiệm vàng vay 4,7 tỉ đồng. Số tiền này được huy động từ hàng chục người khác, trong đó có những người lao động nghèo như công nhân, người bán vé số…, cho vay để kiếm chút tiền lời.
Tiệm vàng vỡ nợ, nhiều người vật vã vì mất hết số tiền gom góp, dành dụm để về thăm quê, sửa nhà, đóng tiền học cho con, đi chữa bệnh…
Có trường hợp hai vợ chồng làm lụng cực khổ nhiều năm, nhịn ăn nhịn mặc, để dành mãi mới được hơn 800 triệu đồng và chục cây vàng đem hết cho chủ tiệm vàng vay. Tiệm vàng vỡ nợ, người chồng sốc dẫn đến bị tai biến.
Ai kiện cứ kiện!
Trong những ngày diễn ra cảnh các chủ nợ đến bao vây tiệm vàng để đòi nợ, tiệm vàng đóng cửa im ỉm, vợ chồng chủ tiệm không hề xuất hiện.
Vụ việc chủ tiệm vàng tuyên bố vỡ nợ hơn 200 tỉ đồng xuất phát từ việc một tiểu thương đến đòi nợ theo kỳ hạn thỏa thuận nhưng chủ tiệm vàng không đủ tiền để trả. Chủ nợ lớn tiếng, vợ chồng chủ tiệm vàng liền thẳng thừng tuyên bố vỡ nợ.
Nghe tin, hàng trăm tiểu thương hoảng hốt kéo đến tiệm vàng khiến cơ quan chức năng phải can thiệp, giữ an ninh trật tự.
Tiệm vàng Ý Loan do vợ chồng bà Đinh Thị Loan làm chủ, được coi là tiệm vàng lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai.
Việc chủ tiệm vàng này tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một vụ vỡ nợ thật hay có dấu hiệu của hành vi lừa đảo. Bởi thời gian gần đây, vợ chồng bà Loan không có dấu hiệu làm ăn thua lỗ.
Một tiểu thương cho biết lúc đầu, chủ tiệm vàng trả tiền lãi theo định kỳ rất sòng phẳng nhưng sau đó viện lý do khó khăn và khất lần.
“Tôi huy động vốn của anh chị em trong nhà cho chủ tiệm vàng Ý Loan vay đến hơn chục tỉ đồng, bây giờ chủ tiệm vàng không trả nợ còn thách thức ai kiện cứ kiện. Chúng tôi đã làm đơn tố cáo chủ tiệm vàng về hành vi lừa đảo, chờ công an giải quyết” - một tiểu thương bán quần áo ở chợ Thái Bình nói.
Nếu quyết liệt, sẽ xử lý hình sự được
Theo Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện tượng chủ doanh nghiệp, tiệm vàng vay tiền, huy động vốn lãi cao rồi tuyên bố phá sản, coi như “huề cả làng”, không thể xử lý hình sự được là vấn đề nhức nhối hiện nay.
Một số trường hợp do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán là có thật. Tuy nhiên, không ít trường hợp có sự tính toán từ trước, thậm chí sử dụng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tiền đã vay mượn nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không xử lý hình sự được.
Theo quy định của pháp luật hình sự, những hành vi vay mượn, thuê hợp pháp rồi bỏ trốn hoặc dùng thủ đoạn khác để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp mới được xem có dấu hiệu tội phạm ở tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS.
Cũng theo luật sư Công, để có thể vạch trần được hành vi phạm tội của các đối tượng dùng thủ đoạn rất tinh vi, đòi hỏi điều tra viên phải thật sự sắc sảo, quyết liệt. Ví dụ, một chủ doanh nghiệp đã thua lỗ, mất khả năng chi trả nhưng vẫn tiếp tục vay mượn với lãi suất cao để trả các khoản nợ trước dù biết chắc không thể trả được khoản nợ này. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo bởi ý thức chiếm đoạt đã có từ trước khi vay mượn.
“Bên cạnh đó, việc vay mượn tài sản hợp pháp nhưng không trả lại trong nhiều trường hợp vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo điều 141 BLHS” - luật sư Công nói.
D.Dũng

Theo NLDO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vỡ nợ hay giở chiêu?