Sau tiếng thét vang dội, võ sư Tạ Tân bay vút lên không trung đá bay 2 viên gạch trên tay các võ sinh. Thân pháp của ông đáp nhẹ nhàng xuống mặt đất trong khi những mảng gạch vỡ vụn còn bay lả tả trên không trung...
"Chào - giao đấu - kết thúc" hoặc "chào - giao đấu - khiêng ra"
Trong một trận thi đấu lên đai, võ sĩ Nguyễn Văn Chúng dùng tay đỡ thượng đẳng để cản đòn đá cầu vòng Dolyeo chagi của đối thủ. Nhưng cánh tay của ông Chúng bị gãy gập trước đòn đá như vũ bão của đối thủ.
Ban giám khảo nhìn xuống sàn đài như không có chuyện gì xảy ra. Tạ Tân vào sàn khiêng võ sĩ bị thương ra ngoài để chờ đến lượt mình ra song đấu.
Tạ Tân là người được đào tạo võ thuật theo phương pháp tàn khốc đó. Vậy nên ông trở thành một võ sĩ nặng ký và có thần kinh thép. Thời điểm 1964, các võ sĩ vào thi đấu, mọi thủ tục răm rắp và khá lạnh lùng: Chào - giao đấu - kết thúc. Nhưng có khi là: Chào - giao đấu - khiêng ra. Giám khảo không cần dừng lại để xem xét thương tích.
Võ sư Tạ Tân (sinh năm 1944), quê ở Quảng Ngãi. Năm 1960, cậu Tân được cha làm nghề thầu khoán dẫn vào Sài Gòn. Môn võ thuật Taekwondo mới du nhập vào miền Nam Việt Nam và hoạt động rất mạnh mẽ.
Tạ Tân vào xin học khóa 2 từ năm 1964 đến năm 1975 tại võ quán Chung Do Kwan. Đồng thời ông học thêm võ Judo ở Câu lạc bộ võ thuật Thanh Niên. Sau 12 năm luyện võ, Tạ Tân đạt tứ đẳng huyền đai Taekwondo và nhị đẳng huyền đai Judo.
|
Võ sư Tạ Tân với lá đơn xin mở võ quán tại Quảng Ngãi năm 1983 |
Ôn chuyện xưa cũ
"Ki ai!" - Sau tiếng thét vang dội, võ sư Tạ Tân bay vút lên không trung đá bay 2 viên gạch trên tay các võ sinh. Thân pháp của ông đáp nhẹ nhàng xuống mặt đất trong khi những mảng gạch vỡ vụn còn bay lả tả trên không trung. Các võ sinh vỗ tay rào rào thán phục.
Đó là màn biểu diễn của huấn luyện viên Tạ Tân tại các võ đường ở miền Tây Nam Bộ trước năm 1975. Ông đã cùng các sư phụ từ Sài Gòn xuống các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp để dạy võ thuật cho thanh niên địa phương.
Thời đó, những người học võ giống như được luyện qua lò bát quái. Võ sĩ luôn thi đấu nảy lửa.
Ông Tân nhớ lại: “Thi đấu lên đai thôi đã đánh chịu không nổi, vô sân chào xong là đánh luôn. Các võ sinh không mặc giáp, không đeo găng, đánh nhau ầm ầm, nếu có võ sĩ nào ngã gục thì anh em khiêng ra ngoài để võ sĩ khác vô đấu tiếp. Không ai xuýt xoa chuyện đau đớn gì hết”.
Năm 1975, võ sư Tạ Tân về Quảng Ngãi sinh sống và tham gia công tác Đoàn thanh niên ở phường Nguyễn Nghiêm. Võ sư luôn nhớ đến chốn Sài Gòn hoa lệ; nhớ Trung tâm huấn luyện Taekwondo mang tên Chung Do Kwan Sài Gòn do võ sư Mười Nho, huyền đai 7 đẳng làm giám đốc. Đó là nơi mà nhiều đồng môn và võ sinh chia tay nhau để trở về quê tìm kế sinh nhai sau 1975.
Cuối năm 1983, Tạ Tân mở võ đường Taekwondo tại địa chỉ 57 Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Ngãi. Vậy là nghiệp võ thuật của Tạ Tân tiếp tục được khai thông, nhưng lần này là trên chính quê hương của mình.
Học trò thành danh, nhưng cuối đời thầy thì chỉ còn tồn tại hư danh võ thuật. Đến năm 2000, võ sư Tạ Tân lại tạm biệt quê hương vào Sài Gòn sinh sống với 2 người con. Ông trở về với nơi lưu dấu võ đường Chung Do Kwan, cái nôi đầu tiên đào tạo ra các võ sinh Thái Cực Đạo ở Việt Nam.
Gặp võ sư trong một buổi trưa Sài Gòn chợt đổ mưa tầm tã. Quả đúng như nhiều người nói, không mấy ai có thể làm giàu và dùng nghề võ để nuôi cuộc đời mình. Võ sư Tân cũng vậy. Tuổi già, nhưng ông vẫn bền bỉ đến từng nhà dạy “võ gia đình” tại khu vực quận 1.
Khoảng 2.000 môn sinh từng được ông dạy võ ở Quảng Ngãi, lâu lắm mới có người ghé vô thăm thầy và ngồi trong ngôi nhà nhỏ bé cùng ôn chuyện xưa cũ.
Lê Văn Chương/báo Quảng Ngãi