Mới đây, trên Tuần Việt Nam/VietNam.net có bài viết “Lãnh đạo phải biết ‘lấy đá ghè chân mình” của tác giả Hải Lộc. Tinh thần của bài viết ấy nói lên rằng: nếu các lãnh đạo biết tự nhận sai lầm trong các đường lối, chính sách quản trị quốc gia thì sẽ làm tăng uy tín của lãnh đạo trước nhân dân. Tôi nghĩ, điều này rất đúng, rất cần thiết và nên làm.

Với người nằm xuống, ưu, khuyết cũng cần đánh giá công minh trong lời điếu!

25/05/2019, 14:53

Mới đây, trên Tuần Việt Nam/VietNam.net có bài viết “Lãnh đạo phải biết ‘lấy đá ghè chân mình” của tác giả Hải Lộc. Tinh thần của bài viết ấy nói lên rằng: nếu các lãnh đạo biết tự nhận sai lầm trong các đường lối, chính sách quản trị quốc gia thì sẽ làm tăng uy tín của lãnh đạo trước nhân dân. Tôi nghĩ, điều này rất đúng, rất cần thiết và nên làm.

Treo cờ rủ trong ngày lễ Quốc tang

Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn phát triển chỉ một ý trong cái tinh thần chung đó. Đấy là chuyện khi người lãnh đạo nào đó mà nằm xuống, bên cạnh những công trạng, những đóng góp cho đất nước xứng đáng được nhắc tới thì có nên nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc cả những sai lầm, khuyết điểm của người đó ngay trong lời điếu của người còn sống với người đi xa?

Liệu có nên xem đó như một chuyện bình thường và cần thiết? Tôi nghĩ là nên.

Vì lâu nay cũng do quan niệm của dân mình, chúng ta vẫn coi “nghĩa tử là nghĩa tận” cho nên cách thể hiện nội dung viết trong lời điếu thường chỉ một chiều, “khen toàn tập” mà không có chuyện nhắc gì đến sai lầm, khuyết điểm của người nằm xuống. Điều này đôi khi lại phản tác dụng, đánh đồng tất cả với người trọn đời cống hiến, không một tì vết. Từ cách làm chưa ổn này khiến cho sự việc nhiều lúc trở nên chuyện bi hài rất không hay. Và đó chính là một vấn đề mà tôi muốn bàn trong bài viết này.

Tôi tán đồng quan điểm của tác giả bài viết trên khi cho rằng: “Phải xem việc công khai hóa các sai lầm, khuyết điểm đích thực và nhận trách nhiệm về những sai lầm ấy, khuyết điểm ấy, nhất là trong các chủ trương, chính sách của lãnh đạo các cấp trong quá trình điều hành phát triển đất nước là bình thường...”.

Trong lịch sử hiện đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi áp bức, nô lệ của phong kiến và xâm lược của thực dân, đế quốc rồi xây dựng đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc. Những kỳ tích vĩ đại này là không thể phủ nhận cho dù tốc độ phát triển đất nước trong bấy nhiêu năm có Đảng lãnh đạo cũng đôi khi chưa thật tương xứng với tiềm năng của đất nước có trên 90 triệu dân này.

Song, nhiều khi do nhận thức đôi khi còn ấu trĩ. Tư tưởng tả khuynh, duy ý chí, nóng vội, thậm chí cả bị tác động từ nước ngoài đã khiến không còn khách quan. Chúng ta bị ép vận dụng mô hình của bạn một cách giáo điều vào nước mình như chủ trương Cải cách ruộng đất (1953-1954) cho nên Đảng ta cũng mắc phải những sai lầm rất đáng tiếc. Khát vọng cao cả để “người cày có ruộng" là một quan điểm đúng và rất chính đáng của Đảng. Song với cách làm thì lại máy móc, giáo điều. Chúng ta đã xác định rồi quy chụp thành phần bóc lột một cách quá tả để tịch thu tài sản, ruộng đất của họ cũng hết sức nặng nề, khiên cưỡng.

Tác giả của bài viết trên có nhắc lại: "Năm 1956, chính Bác Hồ công bố sai lầm trong cải cách ruộng đất và yêu cầu các thành viên lãnh đạo cao cấp: “Các chú phải xuống xin dân tha thứ vì những lỗi lầm của Đảng”. Đảng đề ra ngay chính sách sửa sai; nhiều lãnh đạo cấp cao xin từ chức, trong đó có cụ Trường Chinh, lúc bấy giờ là Tổng bí thư của Đảng.

Sau sự kiện đó, uy tín của Đảng nói chung và lãnh đạo Đảng nói riêng tăng lên rõ rệt. Và 30 năm sau, năm 1986, cụ Trường Chinh được tín nhiệm bầu lại làm Tổng bí thư của Đảng lần hai. Chính cụ Trường Chinh lại là người nhận những sai lầm của Đảng trong điều hành phát triển đất nước và đưa được vào Nghị quyết Đại hội VI những đường lối, thậm chí cả giải pháp rất lớn, rất cơ bản về đổi mới, mà thực chất đó là các giải pháp sửa sai. Nhờ đó đất nước mới phát triển như ngày nay".

Điều này cần xem như một bài học rất ý nghĩa, cần phát huy.

Trong Cải tạo công thương nghiệp, tư bản tư doanh (sau 1954 ở miền Bắc); trong xử lý vụ Nhân văn giai phẩm (1956-1959) ở miền Bắc; trong vụ xử lý nhóm Xét lại hiện đại Khơ rut xốp hay nhóm chống Đảng (khoảng 1962-1964); trong cuộc cải tạo tư sản mại bản (sau ngày đất nước thống nhất 1975); gần nhất là “đánh tư sản mới" (đầu những năm 80 của thế kỷ trước ở miền Bắc) và chính sách giá- lương- tiền (năm 1985)... chúng ta cũng mắc sai lầm đáng tiếc. Vậy thì ngoài trách nhiệm tập thể, cũng phải biết ai là “tác giả” của nó chứ?

Hiện nay, chúng ta tuy đã có những tổng kết, đánh giá mặt được và chưa được của từng cuộc "cách mạng” nói trên. Có những thứ chúng ta đã thừa nhận sai lầm và đã sửa sai nghiêm túc như cuộc Cải cách ruộng đất, như Cải tạo tư bản sau ngày Việt Nam thống nhất...

Thế nhưng, vẫn có những việc tuy chưa có văn bản nào thừa nhận sai lầm dù cũng đã gián tiếp sửa sai kiểu như vụ Nhân văn giai phẩm. Chúng ta thấy có rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ từng bị đi cải tạo lao động không có án. Có người đi cải tạo đến cả chục năm, nhưng rồi lại được phục hồi chế độ như một lão thành cách mạng về lương bổng, nhà cửa (chuyện của ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên thứ trưởng bộ Thông tin Tuyên truyền năm 1945); có vị trí thức lừng danh từng bị đấu tố trên sách báo, bị vô hiệu hoá, không giao công việc cả chục năm... thế rồi đến cuối đời lại được đối đãi chu đáo, cho đi nước ngoài chữa bệnh và thậm chí còn được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (chuyện của giáo sư Trần Đức Thảo từ Pháp trở về phụng sự đất nước theo lời vận động của Chủ tịch Hồ Chí Minh).v.v...

Cho dù thế nào đi nữa thì theo tôi, nó ít nhiều cũng là tín hiệu tốt tuy rằng vẫn hơi muộn mằn, đáng tiếc. "Có còn hơn không”(!). Nhưng rõ ràng, cách làm ấy vẫn chưa làm mọi người hài lòng. Nên chăng, ngoài trách nhiệm tập thể thì cũng có cả vai trò trách nhiệm từng cá nhân của người được phân công phụ trách khi đề xuất triển khai rồi để xảy ra sai lầm, thiếu sót mà lẽ ra phải chịu kỷ luật của tổ chức như hồi Cải cách ruộng đất, Đảng ta đã xử lý rất nghiêm khắc...

Vậy thì lúc chúng ta đọc lời điếu trong lễ truy điệu với người đã khuất kia liệu có nên mạnh dạn đánh giá lại cuộc đời của con người cụ thể ấy cho công bằng hơn?

Có thể gia đình người ta sẽ đồng ý đề cập để nhờ đó, giữa “thanh thiên bạch nhật” sẽ hy vọng làm vơi đi nỗi đau của gia đình họ bấy nhiêu năm cũng như người đã khuất âm thầm chịu đựng, giúp toàn xã hội hôm nay hiểu rõ hơn về một con người nào đó trong quá khứ từng bị gắn cái mác “sai lầm, khuyết điểm” này nọ oan trái mà nhiều năm họ đã bị quên lãng, bị chúng ta- hậu sinh, hiểu chưa đúng bản chất vấn đề...

Tất nhiên, tôi nghĩ cũng sẽ có gia đình người ta cũng muốn quên hẳn, muốn chôn chặt và không muốn khơi gợi lại nữa. Đó là quyền ở mỗi người thân của họ. Chúng ta cần tôn trọng cả hai và khi thấy thân quyến họ chấp nhận (hoặc mong muốn) thì nên làm theo họ.

Ở một góc độ khác. Tôi muốn nói đến một đối tượng là các vị lãnh đạo mắc sai lầm khuyết điểm thì nên thế nào khi họ nằm xuống?

Tôi cũng được biết, trong vài năm gần đây, việc soạn lời điếu cho một nhân vật đã khuất nếu như họ được tổ chức tang lễ theo nghi thức cấp cao trở lên, đôi lúc đã gặp khó cho đơn vị tổ chức khi họ có khuyết điểm, sai lầm trong đời.

Chúng ta cũng đã tế nhị hơn và cũng có ý tứ, không đề cao quá mức với những ngôn từ to tát, rất không phù hợp ở những nhân vật đã phạm sai lầm này khác trong cuộc đời, sự nghiệp chính trị của họ. Nhưng tôi cảm thấy vẫn chưa thật ổn khi khuyết điểm của con người đó, cựu lãnh đạo đó có thể rất lớn nếu không đau ốm bệnh tật thì phải bị kỷ luật nặng mới công bằng. Thế nhưng khi nghe lời điếu vẫn chỉ thấy toàn "lời vàng ý ngọc” khiến dư luận không tán thành thì lại là chuyện có nên không?

Đôi khi dư luận họ thất vọng rồi vô tình khiến họ mất đi niềm tin vào tổ chức của chúng ta nhiều lúc cũng chỉ từ chuyện rất nhỏ ấy. Đành rằng dân mình vốn có quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, đã mất rồi thì không cần nhắc lại chuyện buồn nữa. Song chưa hẳn đã đúng bởi chúng ta cần có trách nhiệm với hậu thế về sự thật lịch sử. Nếu không thì sử sách sẽ được hiểu ra sao đây?

Tôi nghĩ, đây cũng chỉ là cách viết, cách thể hiện khi đã có bàn thảo, cân nhắc của cả tập thể lãnh đạo. Nếu như cùng trên một tư tưởng nhân văn bao trùm và hết sức chân thành, thật lòng thì việc chúng ta soạn thảo, đánh giá đó cũng vẫn không sao hết. Công/ tội- ưu / khuyết nên rõ ràng, phân minh đành rằng phần khuyết điểm cũng sẽ chỉ nói mức độ với chữ nghĩa thế nào đó khiến người thân trong gia đình họ “chịu” được vì thấy như vậy mới có lý, có tình và có sức thuyết phục cao.

Vì bài cũng đã dài. Tôi cũng có thể viết ở một khía cạnh khác nữa. Đó là nên xác định tiêu chí như thế nào là hợp lý khi chúng ta tổ chức Quốc tang, khi tổ chức tang lễ cấp Nhà nước và tổ chức tang lễ cấp cao khi người nằm xuống đã vi phạm khuyết điểm, bị kỷ luật, thậm chí chưa bị kỷ luật vì đang chờ kết luận thì họ đã mất. Rồi thì những bất cập trong quy định tang lễ cấp cao (cấp bộ trưởng và tương đương) với tang lễ cấp nhà nước mà theo quy định hiện hành, chỉ cần là cấp thượng tướng (dù chưa là trung ương uỷ viên, chưa được là thứ trưởng) thì xem ra chưa được công bằng cho lắm với người từng làm đến bộ trưởng... Tuy nhiên, đề tài này tôi xin được bàn riêng vào một bài khác.

Với những ai đã vi phạm kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên (khi ở cương vị cao nhất để xảy ra sai phạm) thì có nên tổ chức lễ tang theo chế độ quy định nữa hay không cũng là vấn đề cũng cần xem lại.

Có nhà báo từng gợi ý là “Quốc tang thì chỉ nên tổ chức với người thực sự có công trạng lớn với đất nước; với một người hoặc nhiều người chết vì những hành động quả cảm hoặc chết trong những tình huống bi thảm...; với những người mà cuộc sống của họ thực sự là một tấm gương và cái chết của họ có khả năng lay động".

Điều này không phải không có lý, có lẽ chúng ta cũng nên cân nhắc.

Làm một việc gì đó chưa có trong tiền lệ thường rất khó khăn lúc ban đầu. Điều đó không có gì lạ. Song, về lâu dài, chúng ta nên cân nhắc những cách làm này rồi thực hiện. Lâu dần rồi cũng sẽ quen. Cái tốt, cái tích cực ở cách làm này, đó là gián tiếp tôn trọng tính trung thực lịch sử đã được chúng ta ghi nhận. Sau này, với cả trăm năm, ngàn năm, lớp hậu thế của chúng ta sẽ thấy và hiểu đúng sự vật một con người nào đó ở cả hai mặt. Nếu không thì rất đáng tiếc và nguy hại khó lường vì sự thật khi đó đã không còn là sự thật.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
13 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Với người nằm xuống, ưu, khuyết cũng cần đánh giá công minh trong lời điếu!