Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý 1/2020 ước tính đạt 3,9 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20.3 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỉ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỉ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỉ USD, giảm 18%; có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ USD, giảm 65,6%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỉ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý 1/2020 ước tính đạt 3,9 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 73,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 405,4 triệu USD, chiếm 10,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 337,7 triệu USD, chiếm 8,8%.
Trong quý 1/2020, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỉ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,2 tỉ USD, chiếm 21,4%; các ngành còn lại đạt 346,7 triệu USD, chiếm 6,3%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 2 tỉ USD, chiếm 30,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không có vốn đăng ký bổ sung giữ mức 4 tỉ USD, chiếm 60,7%; các ngành còn lại đạt 570,2 triệu USD, chiếm 8,6%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 699 triệu USD, chiếm 35,7% giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 441,4 triệu USD, chiếm 22,6%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 176 triệu USD, chiếm 9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 174,1 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại 465,4 triệu USD, chiếm 23,8%.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 4,2 tỉ USD chiếm 76% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Trung Quốc 455,9 triệu USD chiếm 8,2%; Hàn Quốc 284,4 triệu USD chiếm 5,1%; Hồng Kông 245,9 triệu USD chiếm 4,4%...
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,7 triệu USD, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 12 triệu USD, chiếm 24,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9 triệu USD, chiếm 18,3%...
Nguồn vốn Việt Nam đến Mỹ nhiều nhất với 20,1 triệu USD chiếm 40,8%; Singapore 12,8 triệu USD chiếm 26%; Campuchia 9,5 triệu USD chiếm 19,3%...
Lam Thanh