Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vẫn chưa có hồi kết, khi ngày 29.5 Bộ trưởng tài chính nước này Euclid Tsakalotos đã cảnh báo các chủ nợ rằng họ cần đạt thỏa thuận về các biện pháp giảm nợ cho Hy Lạp tại cuộc họp tiếp theo của các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) vào tháng 6 để giúp nước này trở lại thị trường trái phiếu, theo Reuters.

Vòng xoáy nợ công của Hy Lạp vẫn là ác mộng với EU

13/06/2017, 05:29

Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vẫn chưa có hồi kết, khi ngày 29.5 Bộ trưởng tài chính nước này Euclid Tsakalotos đã cảnh báo các chủ nợ rằng họ cần đạt thỏa thuận về các biện pháp giảm nợ cho Hy Lạp tại cuộc họp tiếp theo của các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) vào tháng 6 để giúp nước này trở lại thị trường trái phiếu, theo Reuters.

Vòng xoáy nợ công Hy Lạp vẫn còn khiến EU mệt mỏi

Ông Euclid Tsakalotos cho biết: "Chính phủ Hy Lạp nhận thấy đã thực hiện cam kết của mình". Bởi lẽ, Nghị viện Hy Lạp đã chấp thuận các điều kiện để có một gói cứu trợ cải cách giai đoạn 2019-2020, khi gói cứu trợ hiện tại hết hạn.

Khi được hỏi liệu Hy Lạp có thể sống sót được không nếu một thỏa thuận chỉ nhằm đảm bảo việc giải ngân để trả nợ đến hạn cho Hy Lạp trong tháng 7.2017, chứ không phải giảm nợ cho Hy Lạp, ông Tsakalotos cho biết Athens không thể chấp nhận một thỏa thuận như vậy.

Điều đó cho thấy Hy Lạp có thể phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ quốc gia sau thời gian thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các gói cứu trợ, cho dù Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Tsakalotos và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble loại trừ thảm kịch đó với Athens.

Đã gần 6 năm trôi qua, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp vẫn còn như mớ bòng bong và với EU thì đây vẫn luôn là một cơn ác mộng.

Vòng xoáy quyền lực của vị thủ tướng hotboy

Vì những sai lầm trong quản lý và điều hành cùng tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Chính phủ Hy Lạp đã đưa nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ công với tỷ lệ 175%/GDP và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 24% vào năm 2011.

Ngày 21.11.2011 Thủ tướng George Papandreou phải từ chức, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội Hy Lạp rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng, trước khi lãnh tụ đảng Dân chủ Antonis Samaras được trao quyền thành lập chính phủ vào ngày 20.6.2012.

Ông Samaras đã dũng cảm đón nhận trọng trách nặng nề là tìm lối thoát cho nền kinh tế, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân Hy Lạp và nâng cao mức sống cho họ.

Kết quả hình ảnh cho picture of Alexis Tsipras

Thủ tướng Alexis Tsipras không thực tế với khủng hoảng nợ công của Hy Lạp khiến người dân nước này phải đi đường vòng với nhiều hệ luỵ

Lúc đó, tháo gỡ cho Hy Lạp đồng nghĩa với việc kiếm tiền từ những nguồn hỗ trợ quốc tế, trong đó có những khoản vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vì Hy Lạp nằm trong Eurozone, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Và để nhận được những khoản cứu trợ từ những định chế tài chính này thì Hy Lạp phải ngay lập tức chấp nhận những yêu cầu của họ. Yêu cầu bắt buộc là chi tiêu của Chính phủ Hy Lạp và phúc lợi cho người dân Hy Lạp đều không được sử dụng bằng tiền đi vay.

Lẽ đương nhiên là Chính phủ Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng và người dân bị cắt giảm phúc lợi. Thế là Chính phủ bị người dân phản đối. Song không thể phủ nhận Chính phủ của ông Samaras đã thực hiện đúng nguyên tắc trong quan hệ tài chính quốc tế và đúng với thực trạng đất nước Hy Lạp lúc đó.

Trong khi mọi việc đang dần được tháo gỡ, dù có sự bất đồng của người dân, thì Alexis Tsipras xuất hiện với những lời hứa hẹn sẽ ngay lập tức cải thiện cuộc sống của người dân Hy Lạp bằng chính sức mạnh nội tại chứ không cần đến sự giúp đỡ của những tổ chức quốc tế.

“Ông Tsipras tuyên bố sẽ đẩy lùi việc thắt lưng buộc bụng - một lời hứa mà ông biết là không thể thực hiện được”, theo Financial Times.

Alexis Tsipras và đảng Syriza của ông ta được người dân Hy Lạp chọn thay cho chính phủ của ông Samaras, trong sự hy vọng mang đến phép màu cho cuộc sống của người dân và đất nước Hy Lạp. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc thì Thủ tướng trẻ Tsipras mới thấy mình đã nói quá hay nhưng không đúng với thực tế nên rơi vào bế tắc.

Trong thế không thể thoái lui và trước sức ép của người dân, ông Alexis Tsipras đã tính bài “quy tụ lòng dân” để tăng thêm sức mạnh bằng việc tổ chức trưng cầu dân ý và tiến hành các cuộc bầu cử.

Kết quả là trong vòng 8 tháng kể từ khi ông Alexis Tsipras được trao quyền lực, tại Hy Lạp đã có tới 3 cuộc bầu cử, khiến cho chỉ trong vòng 3 năm, từ 2012 đến 2015, đã có tới 6 cuộc bầu cử diễn ra tại quốc gia này.

”Bầu cử Hy Lạp: Ngạc nhiên và kỳ quái quá. Đó là sự tuyệt vọng và tức giận trước thảm họa kinh tế tại nước này. Bầu cử chỉ là giải tỏa sự dồn nén mà thôi”, The Wall Street Journal ngày 16.9.2015 bình luận.

Cuối cùng : “Ông Tsipras phải chấp nhận các điều khoản được yêu cầu để đổi lấy khoản vay 86 tỉ euro trong 3 năm, mà các điều khoản này không khác biệt so với những gì mà ông đã từng thuyết phục người dân Hy Lạp từ chối, không chấp nhận”, theo Financial Times.

Thủ tướng Tsipras đã phải quay về với với những gì mà Chính phủ của cựu Thủ tướng Samaras đã đi gần tới đích trong hành trình đi tìm giải pháp khả thi cho khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.

Bài học không thể nào quên với EU

Khi Alexis Tsipras đưa ra chương trình tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của cử tri Hy Lạp, giới quan sát đã nhận thấy đây chỉ là chiêu trò “chính trị câu like”, nhưng vì niềm tin của người dân Hy lạp trong cơn bĩ cực đã không có chỗ cho những phân bua hay phân tích đúng sai.

Với người dân Hy Lạp lúc đó thì Tsipras và Syriza là đúng, là yêu nước, ngược lại là sai, là làm khổ dân, là hại nước.

Khi đói thì người ta cần ngay con cá chứ không cần cái cần câu và sự hướng dẫn cách câu. Khi khát tiền người ta muốn có tiền ngay chứ không muốn nhận phương tiện kiếm tiền và không lắng nghe chỉ dẫn cách kiếm tiền. Tsipras đã khơi gợi vào đúng tâm trạng đó của người dân Hy Lạp nên được họ đón nhận và ủng hộ mạnh mẽ ngay.

Kết quả hình ảnh cho picture of Alexis Tsipras and merkel

EU đã không có cơ chế đặc biệt cho nợ công Hy Lạp khiến tình hính bị cuốn theo vòng xoáy quyền lực của vị thủ tướng hotboy

Có thể thấy rằng, ông Samaras đã rất thực tế khi biết Hy Lạp chẳng còn gì để trao đổi ngoài niềm tin và sự đoàn kết của người dân Hy Lạp trong việc thực hiện những yêu cầu của các định chế tài chính, dù có cay đắng nhưng không bế tắc.

Người dân Hy Lạp không lắng nghe chính phủ Samaras, nhưng cuối cùng họ vẫn phải chấp nhận những yêu cầu đó trong một vị thế kém hơn rất nhiều.

Giới phân tích cho rằng, để Hy Lạp rơi vào vòng xoáy của Thủ trướng Alexis Tsipras có lỗi lớn của EU. Brussels thừa biết chính phủ Samaras có hành động đúng, nhưng vì khó khăn của Hy Lạp vượt quá khả năng chịu đựng của người dân Hy Lạp nên họ đã phản đối.

Bởi lẽ, chỉ cần EU có một chương trình giúp Athens tháo gỡ khó khăn trong thời điểm đặc biệt thì vấn đề sẽ khác và đất nước Hy Lạp không rơi vào vòng xoáy quyền lực mà hậu quả là không những người dân Hy Lạp mà người dân các quốc gia khác cũng mất dần niềm tin vào EU.

Song Brussels đã không làm khác mà vẫn cùng với các định chế tài chính quốc tế đưa ra các điều kiện ngặt nghèo, buộc chính phủ và người dân Hy Lạp phải chấp nhận để được cứu trợ như các quốc gia khác. Vậy tham gia vào Eurozone có khác gì đứng ngoài Eurozone!

Ngày 22.12.2015, nhà báo Martin Wolf đã viết về tình hình tại Hy Lạp trên Financial Times, rằng : “Liệu có một cơ hội cho sự phục hồi kinh tế Hy Lạp không? Điều này nằm trong tâm trí tôi trước khi đến thăm Athens. Nhưng sau khi đến thì kết luận của tôi là không tồn tại một cơ hội như vậy”.

Gần 2 năm sau nhận định của nhà báo Martin Wolf, tình hình đất nước Hy Lạp vẫn khiến giới phân tích phải đặt câu hỏi về khả năng vỡ nợ của quốc gia này, điều đó cho thấy Hy Lạp chưa thực sự thoát ra khoải cuộc khủng hoảng, còn EU thì phải trả giá không hề rẻ với xu thế ly tâm ngày càng phát triển.

Nợ công và giải quyết khủng hoảng nợ công của Hy Lạp là một bài học đắt giá và cũng đồng thời là lời cảnh báo nghiêm khắc với những quốc gia có tỷ lệ nợ công quá ngưỡng cho phép hay quá mức chịu đựng của nền kinh tế - hậu quả của những kế hoạch thiếu khả thi và những chương trình không sát thực.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vòng xoáy nợ công của Hy Lạp vẫn là ác mộng với EU