Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết hải quan Nepal đã có văn bản gửi tất cả các chi cục hải quan nước này yêu cầu cho phép các container hàng hồ tiêu của Việt Nam đang mắc kẹt được tái xuất, về nước.

Vụ 13 doanh nghiệp hồ tiêu VN kêu cứu: Thiệt hại lớn, phía Nepal đồng ý cho tái xuất

24/07/2020, 11:10

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết hải quan Nepal đã có văn bản gửi tất cả các chi cục hải quan nước này yêu cầu cho phép các container hàng hồ tiêu của Việt Nam đang mắc kẹt được tái xuất, về nước.

Doanh nghiệp hồ tiêu bị mắc kẹt ở Nepal thiệt hại lớn - Ảnh: VGP

Liên quan đến việc 13 doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng Chính phủ về 58 container tiêu xuất khẩu đang mắc kẹt tại Nepal và Ấn Độ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng vừa có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và 9 trong số 13 doanh nghiệp có 58 container tiêu xuất khẩu đang bị kẹt tại Nepal để cập nhật tình hình mới nhất của vụ việc.

Các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình đến hiện tại đối với các lô hàng đang mắc kẹt và kiến nghị Bộ Công Thương làm việc để thúc đẩy Chính phủ Nepal nhanh chóng cho tái xuất 58 container do chi phí lưu kho, lưu bãi lớn đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Cụ thể, chi phí lưu container, lưu bãi 58 container tại cảng gần 3 tháng khoảng hơn 1 triệu USD (chiếm hơn 30% giá trị lô hàng). Chất lượng hàng bị xuống cấp hao hụt tiếp khoảng 10% trị giá lô hàng (tương đương 300.000 USD). Phí dịch vụ hải quan, tàu lửa để kéo container hàng khoảng 1.200USD/container....

Trước tình hình thiệt hại tăng lên từng ngày, các doanh nghiệp đề xuất 5 hãng tàu liên quan đến 58 container chia sẻ chi phí với doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc này đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó các thiệt hại từ vụ việc đến doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết khó khăn trong việc giải quyết vụ việc này là Việt Nam và Nepal không có cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi bên, thời điểm xảy ra vụ việc trùng với thời điểm dịch COVID-19, đi lại hạn chế, khiến cho việc giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp càng vất vả hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hưng cho biết đến nay, Bộ Công thương và Vật tư Nepal đã có văn bản yêu cầu Hải quan Nepal cho phép các container hàng đang bị mắc kẹt được tái xuất về nước theo mong muốn của các doanh nghiệp VN. Đồng thời, Hải quan Nepal cũng đã có văn bản gửi tất cả các chi cục qải quan yêu cầu cho phép số hàng hồ tiêu mắc kẹt được tái xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu Nepal hoàn hiện chứng từ tái xuất theo quy định.

Thứ trưởng Hưng yêu cầu Hiệp hội Hồ tiêu và các doanh nghiệp nhanh chóng thống kê giá trị thiệt hại cụ thể đến thời điểm hiện tại và tính toán sơ bộ các thiệt hại nếu việc lưu kho bãi tiếp tục bị kéo dài do phía Nepal gây ra, liên tục cập nhật các diễn biến mới nhất của vụ việc, gửi để Bộ Công Thương nắm thông tin và có phương án phản hồi, trao đổi đề xuất với phía Nepal.

Qua vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế cần tìm hiểu kỹ thông tin về nước sở tại, các thủ tục xuất nhập khẩu của nước đối tác cũng như tìm hiểu kỹ đối tác của mình. Trong trường hợp doanh nghiệp cần hỗ trợ đối với các thông tin nói trên, Hiệp hội và doanh nghiệp có thể liên hệ với Bộ Công Thương hoặc liên hệ trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại thị trường đó. Các doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng các điều kiện thanh toán thương mại quốc tế ít rủi ro như T/T hoặc việc mở L/C không hủy ngang...

Hiện có đến 58 container (tương đương 1.300 tấn) của 13 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang bị mắc kẹt ở cảng Birgunj (Nepal) và cảng Kolkata (Ấn Độ) từ 2-3 tháng mà không thể thông quan, cũng không thể tái xuất về Việt Nam. Được biết, nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ Nepal cấm nhập khẩu 5 mặt hàng, trong đó có hồ tiêu, từ ngày 6.4 (không áp dụng cho các lô hàng có tín dụng thư bảo đảm thanh toán mở trước ngày 29.3).

Khó khăn lại càng khó khăn khi các hợp đồng của 13 doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đều không mở L/C. Các nhà nhập khẩu tại Nepal lại có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục tái xuất. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tái xuất các lô hàng theo mong muốn.

Từ vụ việc trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với khu vực Nam Á như các thị trường Ấn Độ, Nepal... khi ký kết hợp đồng cần thiết phải áp dụng các điều kiện thương mại quốc tế như mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước, tránh sử dụng các phương thức khác có nhiều rủi ro, sẽ rất khó xử lý trong các tình huống phát sinh như vụ việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa qua.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ 13 doanh nghiệp hồ tiêu VN kêu cứu: Thiệt hại lớn, phía Nepal đồng ý cho tái xuất