Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục.

Vụ 5.600 văn bản trái luật: Chính phủ yêu cầu xử lý người đứng đầu

Trí Lâm | 14/08/2018, 18:48

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục.

Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra; kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luậtgây hậu quả nghiêm trọng, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30.11.2018 để tổng hợp.

Yêu cầu Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2018.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật.

Theo đó, qua kiểm tra văn bản do các bộ ngành, địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có tới trên 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

“Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trong đó có 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh. Đây chủ yếu là văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.

Theo đánh gía của Bộ Tư pháp, văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, “ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của có quan, tổ chức, cá nhân” với các mức độ khác nhau.

“Nhìn chung, văn bản trái pháp luật thường có tác động tiêu cực đa chiều, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, Bộ Tư pháp nhận định.

Bộ Tư pháp cho rằng, các tác động tiêu cực của các văn bản trái pháp luật sẽ còn nặng nề hơn vớibối cảnh pháp luật hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nướctrong trường hợp văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, từ đó làm gia tăng bức xúc trong dư luận.

Chẳng hạn, một số văn bản có nội dung hạn chế quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền; quy định thêm cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của doanh nghiệp…

Một số văn bản của địa phương có nội dung hạn chế quyền và cơ hội được làm việc của người lao động như: quy định điều kiện về hộ khẩu, phân biệt bằng cấp, giới hạn tuổi tác không đúng quy định…

Một số văn bản của địa phương thậm chí còn đặt thêm nghĩa vụ hoặc cấm đoán người dân thực hiện các hành vi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp bảo hộ như: đặt thêm nghĩa vụ hoặc hạn chế quyền khi tổ chức việc cưới, việc tang; phát sinh nghĩa vụ nộp thuế…

Đi xa hơn, Bộ Tư pháp cũng cho rằng các văn bản trái pháp luật có thể là nguồn cơn của những vụ kiện cơ quan nhà nước Việt Nam tại các thiết chế giải quyết trong nước và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Với một loạt hậu quả như trên, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan có liên quan khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thực tiễn.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ 5.600 văn bản trái luật: Chính phủ yêu cầu xử lý người đứng đầu