Trong phần luận tội, đại diện VKS đã kiến nghị điều tra, làm rõ hành vi rửa tiền của một số bị cáo mà chưa làm rõ được ở giai đoạn này.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: VKS kiến nghị điều tra hành vi rửa tiền

Nhã Thanh | 17/07/2023, 13:30

Trong phần luận tội, đại diện VKS đã kiến nghị điều tra, làm rõ hành vi rửa tiền của một số bị cáo mà chưa làm rõ được ở giai đoạn này.

Ngày 17.7, đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Theo nhận định của VKS, phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy một số bị cáo có dấu hiệu của tội rửa tiền, đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ giai đoạn 2 của vụ án.

Thủ đoạn nhận tiền của cựu thư ký là 'trắng trợn nhất'

Trong vụ án này, VKS cho biết cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế).

Theo cáo trạng, Bộ Y tế giao Cục Y tế Dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao; chấp thuận cho các đoàn khách lẻ được về nước theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

bi-cao.jpg
Các bị cáo nghe VKS luận tội - Ảnh: N.A

Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, Thứ trưởng Bộ Y tế phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu đề xuất. Khi có kết quả xử lý văn bản, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên (thư ký) để trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến bay; hoặc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo, và từ 7 - 15 triệu đồng/khách lẻ.

Theo VKS, quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2 - 12.2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng.

Theo luận tội của VKS, Kiên đã lợi dụng chức vụ được giao, tự gây khó khăn cho các doanh nghiệp, buộc họ phải chi tiền theo mức mà Kiên yêu cầu mới được Bộ Y tế cấp phép chuyến bay. Trong vụ án này, VKS xác định Kiên là người nhận số tiền nhiều nhất, số lần nhận tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất. Kiên đã nhận hơn 42 tỉ đồng với 253 lần.

Ngoài ra, theo VKS, khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỉ đồng, đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo là tiền vay mượn cá nhân. Vì vậy, VKS cho biết cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất.

kien.jpg
Bị cáo Phạm Trung Kiên bị VKS đề nghị mức án tử hình về tội "Nhận hối lộ" - Ảnh: N.A

Đề nghị tiếp tục kê biên, phong tỏa tài sản

Theo VKS, trong vụ án này, hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra ở nhiều bộ ngành, địa phương; hành vi mang tính đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Họ đã nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp…

Liên quan đến trách nhiệm dân sự, VKS cho biết cần tiếp tục truy thu hơn 15 tỉ đồng của bị cáo Phạm Trung Kiên; tiếp tục kê biên tài sản, tạm dừng giao dịch tại thửa đất ở Mũi Né của Phạm Trung Kiên.

VKS đề nghị truy thu hơn 24 tỉ đồng của Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); kê biên các tài sản mang tên Nguyễn Thị Hương Lan, trong đó có xe ô tô Lexus.

Đối với bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), VKS đề nghị truy thu hơn 5 tỉ đồng; tiếp tục phong tỏa các tài sản mang tên vợ chồng ông Tô Anh Dũng.

Đối với Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của nguyên Phó thủ tướng) đã nộp khắc phục hơn 4,4, tỉ đồng, trong khi đó bị cáo Linh bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng. Số tiền bị cáo khắc phục thừa, VKS đề nghị trả lại nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án…

linh.jpg
Bị cáo Nguyễn Quang Linh bị áp giải tới phiên tòa xét xử - Ảnh: D.T

Trong vụ án này, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Phạm Trung Kiên mức án tử hình về tội “Nhận hối lộ”. Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị mức án 18 - 19 năm tù; bị cáo Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù.

Bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) bị đề nghị mức án 8 - 9 năm tù; Nguyễn Quang Linh bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù; Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND Hà Nội) bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù… Các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị mức án tương xứng với hành vi phạm tội.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng
Theo cáo buộc, bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) đã nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: VKS kiến nghị điều tra hành vi rửa tiền