Người dân có nhà trong diện giải tỏa tin rằng những người đánh mình không phải là công nhân, và bực tức cho rằng phía chủ đầu tư không có thiện chí trong vụ việc này.

Vụ đánh dân tại dự án Charmington: Người bị đánh nhập viện nói gì?

Hồ Đông | 07/03/2018, 16:05

Người dân có nhà trong diện giải tỏa tin rằng những người đánh mình không phải là công nhân, và bực tức cho rằng phía chủ đầu tư không có thiện chí trong vụ việc này.

Chiều 6.3, anh Huỳnh Tấn Phong (một trong những người dân bị nhóm người mặc áo công nhân đánh nhập viện) chia sẻ thông tin về sự việc: “Tôi đi tập thể dục về thì thấy em gái mình đang xô đẩy với nhóm thanh niên mặc áo công nhân tại dự án Charmington. Thấy thế, tôi lao vào bảo vệ em mình thì bị 3,4 thanh niên cầm túyp sắt đánh tới tấp. Ngay sau đó tôi được người dân đưa đi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương”.

Được biết, ông Huỳnh Tấn Phong là 1 trong 5 hộ dân còn lại trong diện giải tỏa nhưng chưa thỏa thuận được mức giá với chủ đầu tư dự án. Dự án Charmington Plaza (Q.5) do Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích được phê duyệt gần 5.100m2, Công ty TNHH BĐS Hùng Anh Năm thực hiện dự án, chủ động thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 52/57 trường hợp.

Những người dân bị nhóm thanh niên mặc áo công nhân đánh nhập viện

Trước đó, ngày 27.2, nhóm công nhân nói trên yêu cầu một số hộ dân phải di dời, bàn giao đất cho công trình. Tuy nhiên, giữa chủ đầu tư và những hộ dân này chưa đạt được thỏa thuận về giá đền bù. Chính vì thế các hộ dân không đồng ý di dời, sau đó lời qua , tiếng lại với nhóm thanh niên này. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, cả hai lao vào đánh nhau. Nhóm thanh niên mặc áo công nhân cầmtúyp sắt, người dân cầm cây tre và ghế nhựa đánh nhau. Kết quả, 3 người bị thương phải nhập viện, nhiều người khác bị thương nhẹ. Đáng nói, sự việc khiến an ninh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân lo sợ tình trang đánh nhau tiếp diễn, trả thù.

Anh Phong cũng chia sẻ thêm, từ lúc xảy ra sự việc đến giờ bản thân phải nằm viện theo dõi. Nạn nhân này cho biết thêm, từ lúc xảy ra sự việc phía chủ đầu tư Sacomreal vẫn không có động thái thăm hỏi, hay động viên. Người đàn ông này nhiều lần khẳng định: “Nếu đây là dự án nhà nước, chúng tôi chấp nhận mức giá theo khung quy định. Nhưng đây là Sacomreal giải tỏa với mục đích thương mại, kinh doanh có lợi cho họ thì tôi cho rằng phải theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán”.

Theo anh Phong, gia đình anh đề nghị mức giá bồi thường cho lô đất mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (Q.5) với diện tích gần 50m2 là 22 tỉ đồng. Anh cho biết phía giải tỏa, đền bù của chủ đầu tư cho rằng mức giá quá cao, song không đưa ra mức giá đề nghị nào khác.

Những người có mặt trực tiếp tại hôm xảy ra xô xát kể, trước đây có một đội tháo, dỡ, giải phóng mặt bằng rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hôm xảy ra sự cố, nhóm thanh niên mặc đồ công nhân này tới tháo dỡ những căn hộ chưa thỏathuận đền bù bằng túyp sắt, không có dụng cụ nào như xà beng, búa..., người dân khẳng định. Liệu việc cưỡng chế tháo dỡcủa chủ đầu tư này có đúng pháp luật hay không, khi họ chưa đạt được thỏa thuận với người dân nơi đây?

Chị T, chủ một trong những căn hộ chưa được đền bù khác, chia sẻ: “Họ đã thống nhất với tôi mức giá đền bù là 10,5 tỉ đồng thời điểm trước Tết. Nhưng đến giờ này vẫn chưa chuyển tiền đền bù để tôi có thể tính toán các phương án làm ăn, tái định cư. Họ cho rằng tôi phải dọn nhà đi sau hai tuần nhận tiền, điều đó khác nào làm khó gia đình tôi.

Tuy chưa đạt thỏa thuận đền bù, thế nhưng họ muốn đập, tháo dỡ phần diện tích của hộ khác có kết cấu liên kết với căn của tôi. Thi công thế không đảm bảo an toàn tới nhà và tính mạng của gia đình chúng tôi được”.

Theo thống kê, có ít nhất 3 người dân bị đánh nhập viện trong cuộc đánh nhau giữa hai bên.

Hồ Đông
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ đánh dân tại dự án Charmington: Người bị đánh nhập viện nói gì?