Nói lời sau cùng, các bị cáo đều mong HĐXX xem xét để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Chiều 17.4, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố kết thúc phần tranh luận; trước khi HĐXX vào nghị án và đưa ra phán quyết cuối cùng, 19 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được nói lời sau cùng.
Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - TISCO) đề nghị HĐXX đánh giá lại vị trí, vai trò của bị cáo trong vụ án này và mong HĐXX xem xét để bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO) nhận thức rõ sai phạm, ăn năn hối hận. Trước tòa, bị cáo Khâm cho biết bị cáo tuổi đã cao, có nhiều bệnh mãn tính, dùng nhiều loại thuốc; và mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng.
Về phần mình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) Mai Văn Tinh giãi bày: “Trong quá trình công tác, bị cáo luôn cùng cấp dưới, cấp trên tìm phương án tối ưu nhất. Bị cáo rất ân hận, xin nhận một phần trách nhiệm. Bị cáo tuổi cao, bệnh tật nhiều, mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm được ra ngoài để chữa bệnh…”.
Các bị cáo còn lại cũng cho biết trong quá trình công tác có nhiều cống hiến, tuổi đã cao, nhiều người hiện đã nghỉ hưu, nên mong muốn được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Trước đó, trong phần luận tội, VKS nhận định các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ quan trọng, đã trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu để được tin tưởng giao các trọng trách quan trọng, thực hiện việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn của Nhà nước.
Nhiều bị cáo có chức vụ cao, trình độ cao, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nhưng quá trình triển khai, thực hiện Hợp đồng EPC số 01, các bị cáo đã không lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu đề xuất các biện pháp để thực hiện hợp đồng đúng quy định dẫn đến VNS và TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước có giá trị đặc biệt lớn, làm lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Theo VKS, sai phạm của các bị cáo còn dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, thiết bị bị hư hỏng. Hành vi của các bị cáo không những gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản mà còn gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế, tác động xấu trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động tại TISCO.
Ngoài những hậu quả trực tiếp nêu trên, VKS còn cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo còn tác động gián tiếp đến tiến trình thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, đồng thời gây mất niềm tin trong xã hội.
Từ những nhận định trên, VKS đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trần Trọng Mừng từ 10 – 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh, VKS đề nghị xử phạt Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNS) 6 – 7 năm tù; Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO) từ 9 – 10 năm tù. Các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị xử phạt từ 3 – 9 năm tù.
5 bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị VKS đề nghị xử phạt từ 12 tháng – 3 năm tù.