Thời tiết đầu giờ chiều tại huyện Thanh Bình nắng gắt, gió se lạnh. Công tác giải cứu bé trai vẫn đang được tiếp diễn..
Chiều 2.1.2023, công việc giải cứu cháu T.L.H.N (10 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở công trình cầu Rọc Sen vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, 12 giờ trưa 2.1, các công nhân vẫn căng mình bên các máy móc xử lý. Lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành, lực lượng chức năng thì túc trực công tác chỉ đạo.
Chị Linh (mẹ cháu N.) chia sẻ: “Hiện chồng tôi đang còn ở hiện trường, còn tôi sắp đi cúng để mong tìm thấy con. Mấy ngày nay vợ chồng tôi không ăn uống gì được chỉ mong chính quyền tìm thấy con tôi nhanh chóng”, chị Linh nói.
Theo một người dân địa phương cho biết, gia đình cháu N. rất khó khăn, cháu N. nhỏ con so với lứa tuổi.
“Cháu N. học lớp 5, mấy ngày nghỉ học đi lượm ve chai với mấy đứa bạn về bán để dành tiền phụ giúp cha mẹ. Nói chung gia đình này rất khó khăn”, người này nói.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo thông tin với báo chí, công tác giải cứu cháu N. được ngành chức năng triển khai bất kể ngày đêm. Hiện nay, biện pháp giải cứu cháu bé có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là tình huống khẩn cấp, nguy kịch, do đó các lực lượng chuyên môn đang tập trun tại hiện trường với các thiết bị chuyên dụng và nhóm kỹ thuật đang thực hiện công việc liên tục để đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian cứu hộ.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả sớm để giảm bớt áp lực của gia đình cháu bé", ông Bửu nói.
Như Một Thế Giới đã thông tin, từ trưa 31.12.2022, bảo vệ công trình phát hiện có nhóm em nhỏ (trong đó có cháu N.) đi vào để nhặt sắt nên đã nhắc nhở và yêu cầu ra khỏi khu vực này.
Tuy nhiên, khoảng 11 giờ 50 cùng ngày, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa thì các cháu quay trở lại. Lúc đi qua công trình đang thi công, cháu N. lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25cm đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 mét.
Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng gần 100 người cùng ba máy xúc, một xe cẩu được huy động đến, triển khai nhiều phương án giải cứu.
Sau đó, các máy khoan nhồi được điều đến hiện trường để thực hiện công tác giải cứu.
Lực lượng chức năng thống nhất tiến hành các giải pháp làm giảm ma sát cọc (khoan tạo lỗ, xói thành cọc,…) sau đó tiến hành rút cọc để giải cứu cháu bé.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì trụ bê tông hơi lệch nên việc khoan tạo lỗ không làm gấp như dự tính. Lực lượng chức năng vừa làm vừa điều chỉnh phương án, nhằm đảo bảo an toàn trong quá trình cứu hộ.
Do trụ bê tông rỗng dài 35 m, gồm 3 đoạn nối nhau (mỗi đoạn dài 12m) nên từ chiều qua (1.1.2023), lực lượng chức năng đã đưa camera xuống dưới để kiểm tra nhưng không thấy cháu N., mà chỉ thấy lớp đất phủ phía trên.
Được biết, công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 thuộc dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL30 đường ĐT.845 do Sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp quản lý dự án; Viện Khoa học và Công nghệ GTVT giám sát thi công xây dựng.
Nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải xây dựng Giao thông T&T.
Một Thế Giới sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.