Đọc những con số trong báo cáo của ông Đinh Việt Thắng, tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), chúng tôi vô cùng lo lắng về an toàn hàng không. Vì máy bay dân sự Airbus A321 (có thể chở hơn 200 hành khách) bay cách máy bay trực thăng quân sự Mi 172/423 chỉ có 60 mét. Khoảng cách 60 m với người đi bộ hay với xe khách, xe ô tô, thì chẳng sao cả, nhưng với hai máy bay suýt đụng nhau, có tốc độ hàng trăm km/h, thì quả thật là một điều kinh khủng…
Cách 60 m hay bao nhiêu?
Báo chí đưa tin: “Máy bay Airbus 321 của Hàng không Việt Nam Airlines (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Huế, sau khi cất cánh, tổ lái phát hiện có máy bay cắt ngang ở độ cao 1.000 feet (304 m) gây uy hiếp an toàn bay… Theo đại diện VNA, khi máy bay Airbus 321 đang ở độ cao 500 feet (khoảng 150 m) thì tổ lái quan sát thấy một máy bay trực thăng cắt ngang phía trước, theo nhận định của tổ lái, lúc này hai máy bay cách nhau khoảng 200 feet (khoảng 60 m)”.
Airbus bay ở độ cao 152 m, máy bay trực thăng bay ở độ cao 304 m, thì khoảng cách gần nhất có thể, chỉ xảy ra khi hai máy bay “đội đầu” nhau, khoảng cách “đội đầu” gần nhất đó theo tính toán là 304 - 152 = 152 m. Nhưng Cục hàng không lại cho biết con số là chỉ cách nhau 60 m.
Trực thăng có tốc độ siêu thanh: hơn 4.600 km/h?
Cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng đông tây, Airbus 321 phải bay về phía tây. Bản tin nói rằng: máy bay A321 phát hiện trực thăng cắt ngang khi đang ở độ cao 152 m và hai máy bay suýt đụng nhau. Chúng ta hãy thử xác định xem vị trí này của máy bay ở đâu? Tốc độ nâng độ cao của mỗi máy bay tùy thuộc nhiều yếu tố: loại máy bay, thời tiết... nhưng thông thường, với máy bay dân dụng, tốc độ đó nhỏ nhất là 5 m/giây. Cho rằng máy bay A321 bay với tốc độ nâng độ cao nhỏ nhất này, khi máy bay đạt độ cao 150 m, thì thời gian bay tính từ khi cất cánh chỉ là 152 m/(5 m/giây) = 30 giây.
Với 30 giây này, máy bay mới rời mặt đất được một quãng đường chỉ hơn 2 km. Tính quãng đường này như sau: tốc độ khi cất cánh của máy bay dân sự thường là 250 km/h, quãng đường S = v x t = 250 km/h x (30/3.600) giờ = 2,08 km. Nếu tính chi li ra, máy bay tăng dần tốc độ sau khi rời mặt đất, sẽ khiến quãng đường này dài thêm được 0,04 km, kết quả S = 2,08 km + 0,04 km = 2,12 km. Như vậy, theo Cục hàng không Việt Nam, máy bay A321 đã phát hiện máy bay cắt ngang khi mới rời sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 30 giây, mới xa sân bay chỉ hơn 2 km, tức là ngay trên vùng trời quận Tân Phú, TP.HCM.
Theo thông tin đã đưa, sau khi máy bay A321 cất cánh được 9 giây, thì máy bay trực thăng được lệnh cất cánh. Lưu ý rằng, tin tức không nói tên sân bay quân sự mà trực thăng cất cánh. Nếu cất cánh từ sân bay Biên Hòa thì chỉ với thời gian 30 giây - 9 giây = 21 giây, máy bay trực thăng đã kịp “vọt” từ sân bay Biên Hòa đến chắn ngang máy bay A321 đang ở gần Tân Sơn Nhất! Trực thăng đã vượt khoảng cách từ sân bay Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất 25 km, cộng thêm 2 km máy bay Airbus đã bay, tổng cộng 27 km, chỉ trong 21 giây. Vậy thì, tốc độ của máy bay trực thăng Mi 172 là (25 km + 2 km)/21 giây = 27 km/(21/3.600) giờ = 4.628 km/giờ!
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, những máy bay chiến đấu siêu thanh hiện đại nhất hiện nay cũng chỉ có tốc độ hơn 3.000 km/h, chúng tôi vô cùng băn khoăn về loại máy bay trực thăng dòng Mi 172 của Nga, có tốc độ tối đa chỉ 250 km/h, đã trở thành máy bay “siêu siêu thanh" 4.628 km/h?
Trong câu chuyện này, ngoài sân bay Biên Hòa thì chỉ còn duy nhất Tân Sơn Nhất. Nếu trực thăng cất cánh từ Tân Sơn Nhất thì câu chuyện cũng hoàn toàn vô lý, vì máy bay A321 lúc cất cánh bay với tốc độ 250 km/h, trực thăng Mi 172 có tốc độ tối đa 250 km/h, nhưng xuất phát sau A321 thời gian 9 giây, kết quả là trực thăng chỉ có thể “bám đuôi” A321, chứ lấy sức đâu mà vượt lên trước, rồi rẽ cắt ngang mặt A321. Hơn nữa, trực thăng và A321 bay cùng hướng, rất gần nhau, thấy nhau rõ mồn một, nếu trực thăng có “phép màu” nào đó để đuổi kịp và vượt lên trước, thì trực thăng cũng chẳng “dại gì” mà rẽ cắt ngang A321.
>> Máy bay Vietnam Airlines cất cánh suýt đâm trúng máy bay quân sự
>> “Lật tẩy” vụ đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất mất điện
>> Bộ Công an điều tra vụ “tê liệt” hệ thống điều hành bay do mất điện
>> Điều tra hình sự vụ đài kiểm soát Tân Sơn Nhất mất tín hiệu
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên yếu kém
TS. Nguyễn Bách Phúc (Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM)
Theo Khoa học phổ thông