Ngoài việc điều tra trực tiếp các cá nhân/pháp nhân có tên trong danh sách này, các quốc gia có hiệp ước hỗ trợ tư pháp với Panama và các "thiên đường thuế" nơi các offshore company đăng ký có thể yêu cầu cơ quan tư pháp của những nước này hỗ trợ…

Vụ Hồ sơ Panama: ‘Quả bóng’ đang trong chân cơ quan thuế

Trí Lâm | 16/05/2016, 11:22

Ngoài việc điều tra trực tiếp các cá nhân/pháp nhân có tên trong danh sách này, các quốc gia có hiệp ước hỗ trợ tư pháp với Panama và các "thiên đường thuế" nơi các offshore company đăng ký có thể yêu cầu cơ quan tư pháp của những nước này hỗ trợ…

Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Giang khi trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới xoay quanh vụ Hồ sơ Panama gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.

Mục đích trốn thuế là phổ biến

Theo ông, offshore company là gì? Những người tìm đến công ty này thường nhằm mục đích gì?

Offshore company như tên gọi của nó nghĩa là một công ty được thành lập bên ngoài lãnh thổ của chủ sở hữu. Trong vụ Hồ sơ Panama (PP), offshore company phải hiểu là shell company, nghĩa là một công ty (ở nước ngoài) được lập ra để đại diện cho quyền lợi hoặc hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp/cá nhân ở một quốc gia khác.

Một số lý do chính doanh nghiệp/cá nhân mở shell company: Tránh thuế, trốn thuế, rửa tiền, che giấu tài sản với người thân, giới báo chí, chính quyền, lách cấm vận, tránh các quy định pháp lý và quản lý phức tạp, đắt đỏ ở nơi họ hoạt động, tránh rủi ro mất hoặc bị kiện tụng, bị tịch thu tài sản ở nơi họ sinh sống.

Ngoại trừ trốn thuế, rửa tiền, lách cấm vận, các lý do khác nhìn chung hợp pháp và rất có lợi cho những doanh nghiệp/cá nhân ở những nước có thuế suất cao và nhiều quy định luật pháp khó khăn liên quan đến tài sản.

Tuy nhiên phải thừa nhận lý do tránh/trốn thuế và che giấu tài sản là rất phổ biến, nhất là với offshore/shell company cho các cá nhân giàu có. Đây là một vùng xám, nhiều khả năng động cơ của họ không trong sáng nhưng khó đánh giá mức độ đúng sai theo pháp luật (trừ hành vi trốn thuế).

Khó có thể đánh giá số tiền thuế giới nhà giàu trốn thông qua offshore company là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải rất lớn để họ (hoặc những người quản lý tài sản cho họ) sử dụng hình thức offshore company.

Nhìn chung dân thường ở các nước "dị ứng" với dạng shell/offshore company như vậy vì nó có lợi cho giới nhà giàu vốn dĩ đã có quá nhiều đặc lợi trong xã hội.

Xin ông nêu một vài ví dụ?

Ví dụ luật thừa kế của Pháp ràng buộc người để lại tài sản rất nhiều quy định mà có thể trái với nguyện vọng của họ. Do đó một cá nhân giàu có ở nước này có thể sẽ chuyển tài sản ra một offshore/shell company để có thể tự do di chúc lại cho bất kỳ ai mà ít khả năng bị kiện tụng.

Một ví dụ khác là một hedge fund (quỹ đầu cơ) có trụ sở ở Mỹ và mở quỹ theo luật Mỹ, họ sẽ phải kiểm tra xem nhà đầu tư có thuộc diện được phép đầu tư vào hedge fund hay không (accredited investor), nếu không kiểm tra kỹ họ sẽ bị liên đới khi cơ quan pháp luật phát hiện ra.

Ngoài ra nhiều nước quy định quỹ phải kiểm tra nguồn tiền đầu tư có sạch không, một việc rất khó và rất tốn kém. Do đó mở quỹ dưới hình thức offshore company sẽ tránh được các quy định phức tạp này, nhà đầu tư sẽ phải tự chịu tránh nhiệm với chính quyền nước mình còn người quản lý quỹ không bị liên đới.

Chuyên gia kinh tế Lê Giang

Theo ông, 189 cái tên Việt Nam có trong danh sách có vi phạm pháp luật hay không?

Trước hết cần làm rõ lại con số 189 mà nhiều báo chí Việt Nam cho rằng là số người Việt Nam có liên quan đến offshore company bị tiết lộ qua PP. Điều này không hoàn toàn chính xác, thực ra đây là số người và pháp nhân có địa chỉ thường trú tại Việt Nam ở thời điểm họ mở offshore company.

Bỏ qua một số pháp nhân (ví dụ SGL Capital hay Fired Earth Ltd), một số lớn cá nhân trong danh sách này có lẽ là các doanh nhân nước ngoài (không phải công dân Việt Nam) đã hoặc đang làm ăn ở Việt Nam.

Việc họ mở công ty ở một quốc gia nào đó rồi đem tiền vào Việt Nam đầu tư hoàn toàn không liên quan gì đến Việt Nam về khía cạnh họ có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không. Ngược lại trong số những công dân Việt Nam có thể có một số người đang làm việc ở nước ngoài (expat) và việc họ có liên quan đến một offshore company nào đó cũng không thuộc thẩm quyền luật pháp của Việt Nam.

Một chi tiết nữa nhiều báo chí Việt Nam nhầm lẫn là con số 189 trong dữ liệu của ICIJ được tổng hợp từ hai vụ: vụ PP vừa rồi và một vụ năm 2013 được ICIJ gọi là Offshore Leaks.

Nếu chỉ xét danh sách từ PP thì VN có 99 cái tên được liệt kê chứ không phải 189. Nhưng tất nhiên con số này sẽ tăng lên vì ICIJ sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu khi họ có thêm các nguồn tin khác (leaks) trong tương lai.

Cũng cần lưu ý là ICIJ chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản trên dữ liệu mà ai cũng có thể tải về nghiên cứu, nhiều thông tin nhạy cảm khác (như số tài khoản ngân hàng, nội dung email trao đổi...) họ không công bố.

Quay lai danh sách 189 cái tên liên quan đến Việt Nam có trong dữ liệu hiện tại của ICIJ. Thực ra nếu chỉ xét về số lượng thì Việt Nam có ít hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, ví dụ Trung Quốc có 33.290, Thailand 1.413, Indonesia 3.544, Philippines 883, thậm chí Lào cũng có 56 và Campuchia 30 cái tên.

Tuy nhiên như đã nói bên trên hầu hết các nước không cấm việc mở offshore/shell company và Việt Nam cũng không có luật nào cấm, bởi vậy không thể nói các công dân Việt Nam có tên trong danh sách trên là phạm pháp.

Điều cần quan tâm là những người mở công ty kiểu này có sử dụng chúng cho những hoạt động phạm pháp như trốn thuế hay rửa tiền hay không, tương tự như sở hữu xe hơi không phạm pháp nhưng chủ sở hữu có thể dùng nó để buôn lậu là một hoạt động phạm pháp.

Cơ quan thuế cần tiến hành điều tra

Làm thế nào để biết được những người mở công ty này để phục vụ mục đích phi pháp, thưa ông?

Việc đầu tiên là rà soát xem trong số 189 cá nhân/pháp nhân này có ai che giấu việc sở hữu hoặc có liên quan đến những công ty đó hay không khi bị buộc phải công khai điều này.

Ví dụ khi phải kê khai tài sản, chức vụ trong sơ yếu lý lịch hay phải công bố các doanh nghiệp con trong báo cáo tài chính. Thủ tướng Iceland phải từ chức vì khi là nghị sĩ ông ta đã không công khai mình sở hữu một offshore company trong khi luật pháp nước này buộc các nghị sĩ phải làm điều này. Ngược lại Thủ tướng Úc không bị cáo buộc phạm pháp dù có tên trong một công ty offshore khác vì ở thời điểm đó ông ta chưa tham gia Quốc hội mà là giám đốc của một quỹ đầu tư.

Tôi biết nhiều quỹ đầu tư lớn ở VN huy động vốn từ bên ngoài thông qua các offshore company, đa số họ công khai điều này trong các bản cáo bạch hay trên website nên họ không làm gì phạm pháp.

Ngoài ra cần xác định các offshore company mà 189 cá nhân/pháp nhân nói trên có liên quan rồi loại bỏ những công ty đã không còn "active" (có thể điều tra điều này trực tiếp trên website của ICIJ).

Một điểm rất quan trọng cần lưu ý là quan hệ giữa 189 cá nhân/pháp nhân trong danh sách ICIJ với offshore company mà họ có liên quan. Thông thường nếu một cá nhân chỉ là thành viên hội đồng quản trị (director) của một offshore company, ví dụ trường hợp của bà Đàm Bích Thủy chỉ là một trong số 10 directors của ANZ/V-Track International Leasing, thì đây là một mối liên hệ yếu và ít khả năng cá nhân đó có những hoạt động phạm pháp như trốn thuế hay rửa tiền.

Ngược lại nếu một cá nhân là cổ đông (shareholder) hay người được hưởng lợi (beneficiary), và trong đa số trường hợp đồng thời là director, thì đó là mối liên hệ mạnh cần phải điều tra sâu thêm.

Ít nhất cơ quan thuế có thể yêu cầu các cá nhân/pháp nhân đó báo cáo những quyền lợi nhận được từ offshore company mà họ có liên quan (tất nhiên với điều kiện người đó nằm trong phạm vi điều phối pháp luật của Việt Nam).

Tóm lại quả bóng đang nằm trong chân cơ quan thuế Việt Nam. Một số cơ quan thuế của các nước (Úc, Mỹ, Anh...) đã xúc tiến điều tra. Ngoài việc điều tra trực tiếp các cá nhân/pháp nhân có tên trong dữ liệu này, các quốc gia có hiệp ước hỗ trợ tư pháp với Panama và các "thiên đường thuế" nơi các offshore company đăng ký có thể yêu cầu cơ quan tư pháp của những nước này hỗ trợ.

Một nguồn thông tin rất quan trọng nữa là phần "chìm" của PP và Offshore Leaks mà ICIJ chưa công bố. Chính phủ và các nhà báo Việt Nam có thể tiếp xúc với tổ chức này xin được hợp tác/trợ giúp thông tin.

Sau khi đã khoanh vùng được những nghi ngờ về trốn thuế hay rửa tiền, bước cuối cùng và khó khăn nhất là yêu cầu các ngân hàng quản lý tài khoản cho các công ty offshore cung cấp thông tin giao dịch.

Tất nhiên ở thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định được điều gì, nhưng nếu không điều tra Việt Nam sẽ không bao giờ biết.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Hồ sơ Panama: ‘Quả bóng’ đang trong chân cơ quan thuế