Y sĩ Đường Cẩm Tiên cho biết, vừa có 1 luật sư ở TP.HCM sẽ tham gia vụ án để bảo vệ miễn phí cho mình.

Vụ khởi kiện trạm y tế ở Cà Mau: Một luật sư nhận bào chữa miễn phí

Hồ Hùng | 28/11/2018, 07:47

Y sĩ Đường Cẩm Tiên cho biết, vừa có 1 luật sư ở TP.HCM sẽ tham gia vụ án để bảo vệ miễn phí cho mình.

Đó là luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã nhận lời bảo vệ miễn phí cho chị Tiên tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Luật sư Anh cho biết sẽ làm thủ tục theo quy định để tham gia phiên tòa phúc thẩm.

Và ngày 27.11.2018, TAND H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng đãra thông báo xác nhận đã nhận đơn kháng cáo của y sĩ Tiên, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vụ đòi thêm tiền công 127 triệu đồng cho 4 năm làm việc ở trạm y tế xã.

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, y sĩ Đường Cẩm Tiên (ngụ TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ký hợp đồng thử việc với Trung tâm Y tế H.Trần Văn Thời. Nơi Tiên làm việc là Trạm Y tế xã Khánh Hải, từ ngày 8.5.2014, với mức lương thử việc 3.089.000 đồng/tháng.

Hết thời gian thử việc, đến 4 tháng sau, chị mới có hợp đồng lao động chính thức vào ngày 1.3.2015 với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng.

Chị Tiên cho rằng thời gian làm việc tại Trạm Y tế xã Khánh Hải là quá nhiều, lên đến 16 giờ/ngày, mà mức thu nhập lại quá thấp. Tiên đã rà lại các chế độ theo quy định và xin nghỉ việc để khởi kiện Trạm Y tế xã Khánh Hải. Chị Tiên cho biết, khối lượng và thời gian làm việc là nhiều như vậy, nhưng thu nhập chưa bao giờ vượt quá 4 triệu đồng/tháng.

Giấy xác nhận đã nhận đơn kháng cáo của TAND H.Trần Văn Thời- Ảnh: Thanh Ngọc

Trong đơn, chị Tiên yêu cầu Trạm Y tế xã Khánh Hải phải trả thêm cho mình số tiền khoảng 127 triệu đồng. Trong đó, có hơn 80 triệu đồng là tiền làm thêm giờ trong khoảng 4 năm qua không được chi trả, hoặc chi trả chưa đúng, chưa đủ. Còn lại là các khoản tiền ăn, tiền phụ cấp chế độ đặc thù của ngành y tế, tiền thù lao tiêm chủng theo quy định.

Tiền ăn mà chị Tiên đòi trạm phải trả cho những ngày làm thêm giờ là 15.000 đồng/ngày. Tiền làm thêm giờ mỗi ngày 8 tiếng, Tiên đòi được trả mức từ 210.000 - 247.000 đồng/ngày.

Tại Tòa án H.Trần Văn Thời, các bên thống nhất từ tháng 5.2014 đến tháng 8.2016 (27 tháng), chị Tiên làm việc bình quân 16 giờ/ngày. Cụ thể, y sĩ Tiên cứ một ngày trực lại làm đúng 24 giờ, rồi tiếp nối 1 ngày làm 8 giờ nữa, sau đó nghỉ đêm.

Cứ vậy suốt thời gian trên, kể cả thứ bảy, chủ nhật hay lễ, Tết. Nhưng chị Tiên không được trả đồng nào cho thời gian làm thêm giờ của mình, cũng không được trả tiền ăn do làm thêm giờ và cả tiền phụ cấp độc hại ngành.

Từ tháng 8.2016 đến nay, chị Tiên làm 24 giờ thì được nghỉ 24 giờ ngày tiếp theo. Thỉnh thoảng, có xen kẽ được làm ngày 8 giờ, tính bình quân 32 giờ/3 ngày (tức hơn 10 giờ/ngày).

Giai đoạn này chị Tiên được trả tiền trực thêm giờ, nhưng trưởng trạm y tế xã lại lấy số tiền này của chị cùng 1 người khác để chia làm 3 phần trực, lấy 1 phần cho người khác không có trực, chị Tiên chỉ nhận được 1 phần. Chị Tiên kiện đòi lại phần này vì cho rằng ai trực thì người đó mới được hưởng...

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14.11, HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu của chị Tiên vì cho rằng ở giai đoạn đầu, chị không được trả tiền làm thêm giờ do trưởng trạm y tế xã chỉ… khuyến khích chị Tiên làm thêm để nâng cao tay nghề, chứ không có phân công làm thêm giờ.

Thanh Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
13 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ khởi kiện trạm y tế ở Cà Mau: Một luật sư nhận bào chữa miễn phí