Hàng loạt câu hỏi đặt ra xung quanh vụ tai nạn giao thông hy hữu xảy ra rạng sáng ngày 25.7, khi chiếc ô tô 7 chỗ lao từ đường trên cao xuống mặt đất làm 1 người tử vong.
Liên quan tới vụ tai nạn hy hữu xảy ra vào khoảng 2h ngày 25.7 tại đường trên cao, đoạn qua nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ (thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Đáng lưu ý là, điểm xảy ra tai nạn là điểm hẫng, lòng đường đang rộng bỗngbị thu hẹp, không thu vát dần mà đột ngột cắt đi 1 thanh dầm chữ I. Tại điểm này, mặt đường trên cao được thi công với đoạn lan can cao bằng bê-tông khoảng 50cm và khoảng 50cm hộ lan bằng kim loại.
Nhiều người cho rằng, đây là điểm mở rộng cho lối dẫn xuống cầu nhưng đã được bịt lại, nhiều ý kiến khác thì cho rằng đó là phần đường dành cho xe dừng đỗ khẩn cấp...
Điểm hẫng - nơi xảy ra vụ tai nạn hy hữu khiến lái xe tử vong tại chỗ.
Để trả lời cho những câu hỏi, những giả thiết trên, PV Báo điện tử Một Thế Giới đã phỏng vấncác cơ quan liên quan.
Theo đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (PMU Thăng Long)- chủ đầu tư dự án đường vànhđai 3 trên cao thì đây là công trình được Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Phương Đông – OCI thiết kế và được đối tác phía Nhật Bản xem xét và thẩm định phê duyệt. Dự án được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ 10.10.2010.
Đoạn đường trên cao này được thiết kế hẫng 1 nhịp dầm như hiện tại được lý giải là bởi nó liên quan tới yếu tố hình học của tuyến đường. Nhà thiết kếđoạn mở rộng này là dành cho nhánh từ dưới đi lên cầu theo đường cong. Tới đoạn đó thì cắt độ rộng.
Bản vẽ thiết kế tuyến đường trên cao.
Vị đại diện PMU Thăng Long thông tin, do dầm cầu không thể làm chéo được nên đã tính toán khoảng cách đoạn đường dẫn và nhập làn vì vậy tuyến đường có đoạn rộng đoạn hẹp. Mặt đường đã được tính toán đủ làn đường theo vạch cong của tuyến và kẻ vạch sơn chéo, không cho phép xe đi vào phần đường này.
Phần đường rộng chừng 2,5m được kẻ vạch sơn cấm các phương tiện đi vào dài 500m và cũng không phải phần đường dừng đỗ khẩn cấp.
Thiết kế đã được tính toán cho phép xe chạy bao nhiêu km/h và chạy với khoảng cách cách hành lang an toàn thế nào, hộ lan được thiết kế với sự chịu đựng lực tác động đảm bảo an toàn với tốc độ tối đa cho phép xe chạy.
Vị đại diện PMU Thăng Long khẳng định, đây hoàn toàn không phải điểm nối với đường dẫn rời cầu như nhiều người đặt nghi vấn mà nó nằm trong thiết kế.
“Với vụ tai nạn xảy ra rạng sáng 25.7 được cho là vụ tai nạn hết sức hy hữu. Từ ngày đưa vào khai thác sử dụng, đây là vụ tai nạn đầu tiên rơi khỏi cầu. Nếu trong trạng thái bình thường thì không thể nào lái xe lại đâm được vào điểm này và rơi khỏi đường trên cao được. Bởi đoạn đường này đã có vạch sơn không cho phép xe chạy, được chiếu sáng đầy đủ”, đại diện PMU Thăng Long nói.
Trả lời câu hỏi của PV về việc sau vụ tai nạn này, liệu Sở GTVT Hà Nội có kiến nghị thi công sửa đoạn lan cannhư những đoạn khác hay không? Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho hay, việc này liên quan tới yếu tố kỹ thuật, kết cấu và thẩm mỹ của công trình nên chưa thể đưa ra ý kiến gì vào lúc này.
Theo ông Tân, “hệ số an toàn của tuyến đường được thiết kế cẩn thận, an toàn và chắc chắn. Đoạn đường có vạch sơn không cho phép xe lưu thông vào phần đường nàynhưng lái xe vẫn đi vào thì không hiểu thế nào".
Ông Tân chia sẻ rằng, bản thân ông cũng không thể hiểu nổi vì sao chiếc ô tô lại có thể đâm vào đó và có thể bay ra khỏi đường trên cao được. Nguyên nhân sâu xa thế nào thì đợi kết quả điều tra của cơ quan công an.
Hiện, Sở GTVT đã cử công nhân tiến hành rào chắn bằng dải phân cách cứng để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến qua đoạn này.
Nam Phong