Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng lực lượng chức năng vào cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài thì hành vi của lực lượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Vụ phá cửa cưỡng chế người phụ nữ test COVID-19 là vi phạm pháp luật

Lam Thanh | 29/09/2021, 15:31

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng lực lượng chức năng vào cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài thì hành vi của lực lượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chiều 28.9, mạng xã hội lan truyền 2 video về việc lực lượng chức năng cưỡng chế một người phụ nữ đưa đi xét nghiệm nhanh COVID-19 trong khi người này liên tục phản đối.

Qua xác minh, vụ việc xảy ra sáng 28.9 tại một căn hộ ở chung cư Ehome 4 thuộc phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Người phụ nữ trong video bị cưỡng chế buộc xuống sân test sàng lọc COVID-19 là bà H. T. P. L (ngụ Bình Dương).

Sáng 29.9, ông Võ Thanh Quan- Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú xác nhận ông đã dẫn đoàn công tác của phường xuống kiểm tra và cho phá cửa căn hộ của bà H.T.P.L ở chung cư Ehome 4 để cưỡng chế đưa bà đi test COVID-19.

pha-cua.jpg
Lực lượng chức năng phá cửa cưỡng chế người phụ nữ test COVID-19

Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú giải thích, ngày 28.9, phường triển khai công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 diện rộng với mục tiêu đạt 100%, hoặc tối thiểu 98% người dân trên địa bàn để chuẩn bị cho việc thành phố Thuận An trở thành “vùng xanh” vào ngày 30.9.

Ông Võ Thanh Quan giải thích về việc xâm nhập gia cư bất hợp pháp là do 2 lần test trước cách đây 10 ngày bà Lan không ra test nên Ban quản trị chung cư lo ngại bà mắc COVID-19 mà không khai báo. Trước thông tin đó, chính quyền lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà và làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, bà H.T.P.L cho hay vào khoảng gần 11 giờ ngày 28.9, bà đang dạy yoga theo hình thức trực tuyến nên không nghe rõ người bên ngoài nói gì. Một lúc sau, bà thấy cửa nhà bị phá và có nhóm người xông vào kêu đi test COVID-19. Lúc này, bà nói đang bận nhưng họ vẫn cưỡng chế đưa đi.

pha-cua-2.jpg
Người phụ nữ bị cưỡng chế test COVID-19

Riêng vấn đề test COVID-19 cộng đồng, bà L. xác nhận lần đầu tiên chung cư tổ chức test có xuống test nhưng thấy rất đông. Sau đó, nghe nói khi test có người bị lây nhiễm chéo nên bà Lan sợ và mua que test ở nhà cho bà và con trai 7 tuổi. Bà Lan khẳng định hai mẹ con không đi đâu, không ra khỏi phòng nên cảm thấy mình đang rất an toàn và không muốn ra test cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết đối với hành vi không chịu đi test COVID-19 của bà L, khoản 2, điểm a, điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định về vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, căn cứ theo quy định trên và Nghị định 117/2020 thì trong trường hợp bà L. không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền… thì chỉ bị phạt hành chính từ 1 triệu tới 3 triệu đồng, không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Do vậy, ông Hùng cho rằng lực lượng vào thực hiện việc cưỡng chế, phá cửa, xâm nhập vào chỗ ở, buộc chủ nhà ra ngoài là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo ông Hùng, đối với những hành vi của đoàn liên ngành, qua đoạn clip có thể thấy những người này không có quyết định khám xét, quyết định cưỡng chế hoặc các quyết định khác để được phá cửa vào nhà nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi khi chưa có sự cho phép của chủ nhà, xâm nhập vào nhà và kéo giữ chủ nhà ra ngoài. Những người này cũng không phải thực hiện các mệnh lệnh hành chính hay theo trình tự tố tụng theo luật tố tụng hành chính hoặc tố tụng hình sự.

Ông Hùng cho biết, theo quy định tại điều 22 Hiến pháp năm 2013, “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.

tmt.jpeg
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc tự ý vào nhà người khác khi không được chủ nhà cho phép là hành vi vi phạm pháp luật

Điều này cũng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân. Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín…

Ông Hùng cho biết những hành vi như “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ” có dấu hiệu vi phạm điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”.

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ; tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Ngoài ra, luật sư Hùng cho rằng cũng cần xem xét hành vi liệu có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật hay không. Theo ông Hùng, việc cưỡng chế một phụ nữ khi chưa có quyết định cưỡng chế, với lực lượng hùng hậu làm cho trẻ em khóc thét trong nhà như vậy cho thấy sự phản cảm và chưa phù hợp pháp luật.

Do vậy, theo ông Hùng, vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ, nếu có bằng chứng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm minh.

Được biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương đã yêu cầu phường Vĩnh Phú báo cáo về vụ việc cưỡng chế xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với người phụ nữ ở chung cư vào hôm 28.9.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ phá cửa cưỡng chế người phụ nữ test COVID-19 là vi phạm pháp luật