Theo kế hoạch từng bước mở lại các hoạt động sản xuất an toàn, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc và tha thiết đề nghị người lao động đang ở trên địa bàn tiếp tục ở lại.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mong muốn đón công nhân trở lại làm việc

Lam Thanh | 28/09/2021, 22:55

Theo kế hoạch từng bước mở lại các hoạt động sản xuất an toàn, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc và tha thiết đề nghị người lao động đang ở trên địa bàn tiếp tục ở lại.

Chiều 28.9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng chống COVID-19 họp trực tuyến với 19 tỉnh phía nam, một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ về việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, đại diện TP.HCM cho biết, với sự giúp đỡ của các địa phương, chi viện của Trung ương cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng chống dịch trên địa bàn, đến nay TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã từng bước kiểm soát dịch bệnh.

Theo kế hoạch từng bước mở lại các hoạt động sản xuất an toàn, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mong muốn đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, đồng thời cũng tha thiết đề nghị người lao động đang ở trên địa bàn tiếp tục ở lại.

Lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cam kết đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vắc xin cho bà con và sớm khôi phục sản xuất, tạo công ăn việc làm.

Thuận lợi của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An hiện nay là có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 rất cao. Tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin để tiêm đủ mũi 2.

Lãnh đạo các tỉnh còn lại khẳng định luôn hợp tác, gắn kết chặt chẽ với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong phòng, chống dịch. Lực lượng lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có một phần lớn từ các tỉnh này.

Thời gian qua, các tỉnh đã phối hợp với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để hỗ trợ, vận động người lao động của địa phương yên tâm ở lại. Những trường hợp thực sự cần thiết phải về quê thì tổ chức kế hoạch đưa, đón chu đáo. Tuy nhiên, cũng có một số ít người dân về quê tự phát, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, trong khi nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn thấp, lực lượng y tế mỏng.

hop.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp với các địa phương

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thống nhất khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An từng bước kiểm soát được dịch bệnh sẽ thực hiện nới lỏng bên trong nhưng bên ngoài vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch lây lan.

Theo đại diện Bộ Y tế, dù TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 rất cao nhưng người đã được tiêm vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, lây cho người khác. Vì vậy, việc đi lại của người dân ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai về các địa phương khác vẫn phải kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt theo quy định.

Các tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm soát người đi lại giữa TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với các địa phương khác như hiện nay. Những người thực sự cần thiết từ TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai về các địa phương khác thì phải có kế hoạch đưa, đón chu đáo. TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng người dân tự phát về quê.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá thời gian qua các tỉnh hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng chống dịch ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh việc ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tổ công tác sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng dành thêm vắc xin cho các địa phương xung quanh để nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm vắc xin, tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu, đi lại cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết theo thống kê, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh, thành trong cả nước đang làm việc tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó có 2,1 triệu người đang có nguyện vọng về quê.

Theo ông Hùng, hiện ngoài 4 tỉnh trên có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 toàn dân còn rất thấp. Do đó nếu không kiểm soát việc người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất phức tạp, nguy hiểm.

Bộ Công an đề nghị Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai quán triệt huy động hệ thống chính trị cơ sở nắm chắc từng người dân có nguyện vọng về quê để vận động ở lại. Khi người dân ở lại phải cam kết tiêm vắc xin, miễn, giảm tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt cũng như hỗ trợ việc làm để tạo thu nhập cho người dân yên tâm ở lại.

Song song với đó là khuyến khích doanh nghiệp đón người dân từ các tỉnh quay lại thành phố làm việc. Nếu người dân đã ra đường, tập trung ở các chốt thì kiên quyết vận động người dân trở về, không để người dân đi tự do.

Đối với các địa phương có số lượng công dân lớn đang sinh sống tại 4 tỉnh, thành trên, ông Hùng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo công an, quân đội phát hiện sớm các đội nhóm kêu gọi người dân về quê tự phát để răn đe, xử lý. Mặt khác, các địa phương cũng cần có tiêu chí, kế hoạch công khai việc đón công dân về, trong đó tập trung cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người yếu thế. Nếu chỉ nói đón mà không công khai thì người dân không tin và sẽ tự phát đi về.

Sáng 28. 9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi kiểm tra, nắm tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn đã đến thăm công nhân khu nhà trọ 71, phường Bình Hòa, TP.Thuận An. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không cần thiết phải xét nghiệm toàn bộ số người trong một phòng trọ mà chỉ cần xét nghiệm một người là có thể biết được tình trạng những người còn lại. Xét nghiệm tất cả là gây lãng phí.

Đồng quan điểm, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, cho rằng cần có giải pháp phù hợp như lấy mẫu ngẫu nhiên từng khu vực và chỉ xét nghiệm 1 người đại diện trong một phòng trọ. Đến lần xét nghiệp tiếp theo thì chọn người khác.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ người mắc COVID-19 tử vong thấp (dưới 1%). Phó thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương sau 30.9 phải ưu tiên cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong an toàn và phải có phương án xử lý tình huống cụ thể khi xuất hiện F0, không để khi phát hiện F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy, đồng thời có phương án cụ thể khi người dân đi đến các địa phương khác khi đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mong muốn đón công nhân trở lại làm việc