Bà Cao Thị Hằng mượn sổ hộ khẩu của ông Thị Kinh (SN 1965) - thương binh hạng 3/4, không biết chữ, bị tai biến nhiều lần, trí nhớ không minh mẫn, cùng 2 giấy CMND (của ông Kinh và người em) đi làm giấy chủ quyền sử dụng đất giúp, để sau đó làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên mình.

Vụ sập bẫy ‘nữ đại gia’ bất động sản: Nhiều chuyện hy hữu

Văn Em | 05/04/2019, 20:18

Bà Cao Thị Hằng mượn sổ hộ khẩu của ông Thị Kinh (SN 1965) - thương binh hạng 3/4, không biết chữ, bị tai biến nhiều lần, trí nhớ không minh mẫn, cùng 2 giấy CMND (của ông Kinh và người em) đi làm giấy chủ quyền sử dụng đất giúp, để sau đó làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên mình.

          

Báo Một Thế Giới ngày 2.4 có bài viết: Hàng loạt người dân miền Tây sập bẫy ‘nữ đại gia’ bất động sản, phản ánh việc nhiều anh em Khơme không biết chữ trong gia đình bà Thị Bình (SN 1971, trú khóm 3, P.6, TP.Cà Mau) tố cáo bị bà Cao Thị Hằng (SN 1978,trú tại số 40 Hùng Vương, khóm 6, P.5, TP.Cà Mau) cùng đồng bọn tổ chức lừa đảo chiếm đoạt đất của anh em bà.

Sau khi báo đăng, gia đình bà Bình cho biết phải chịu áp lực rất lớn từ những người không quen biết, có “máu mặt” ở địa phương đến can thiệp.

Cụ thể, do bán đất mà chưa được bà Hằng trả tiền đầy đủ như thỏa thuận ban đầu, nên anh em bà Bình đến ngăn rào bảo vệ phần đất, đồng thời không cho thợ tiếp tục xây dựng căn nhà mà bà Hằng đang xây cất trên phần đất của gia đình. Trong ngày 4.4, xuất hiện một nhóm người đến phá rào mà anh em bà Bình dựng lên.

Giấy chủ quyền đất do bà Hằng đứng ra làm giúp gia đình anh em bà Bình mang tên ông Thị Kinh để sau đó bà Hằng làm thủ tục chuyển nhượng sang tên mình - Ảnh: Hạnh Hoàng

“Chúng tôi trình báo với Công an P.6, lực lượng chức năng sau đó mời một số người về làm việc, họ khai rằng được bà Hằng mướn đến làm thợ hồ xây nhà”, bà Bình nói và cho biết, những người xưng là thợ hồ do bà Hằng mướn đều là dân “anh chị” ở địa phương.

Như đã phản ánh, anh em bà Bình có thửa đất là tài sản chung, diện tích 199m2 tại khóm 3, P.6, TP.Cà Mau. Ngày 18.7.2018, anh em bà thống nhất bán cho bà Cao Thị Hằng diện tích ngang 6 m; dài 19 m (tổng diện tích 114m2), với giá thỏa thuận 550 triệu đồng.

Tuy nhiên, do đất chưa làm được giấy chủ quyền, nên bà Hằng mượn sổ hộ khẩu của ông Thị Kinh, và 2 giấy CMND mang tên Thị Kinh và Thị Út để đi làm giấy chủ quyền đất, rồi mới thực hiện các thủ tục sang nhượng.

“Chúng tôi tin tưởng bà Hằng nên để anh Thị Kinh đi theo bà ấy làm giấy chủ quyền đất, chứ anh tôi đâu biết chữ, là thương binh, lại bị tai biến nhiều lần, trí nhớ bây giờ lúc tỉnh, lúc không”, bà Bình nói.

Theo tìm hiểu của PV, không biết bằng cách nào mà bà Hằng đã làm được giấy chủ quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất của anh em bà Bình, với diện tích 199 m2 đứng tên ông Thị Kinh. Giấy chủ quyền này được chính quyền TP.Cà Mau ký ngày 7.1.2019.

Đúng 3 ngày sau, tức ngày 10.1.2019, bà Hằng dẫn ông Thị Kinh đến Văn phòng Công chứng Trần Mai Hương, trụ sở tại khóm 3, P.7, TP.Cà Mau làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử sụng đất.

Hợp đồng chuyển nhượng có điểm chỉ dấu tay của ông Thị Kinh - Ảnh: Hạnh Hoàng

Theo đó, ông Thị Kinh đã điểm chỉ vào giấy chuyển nhượng, đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thửa số 60; tờ bản đồ số 32, diện tích 199 m2, loại đất ở đô thị cho bà Hằng với giá 420 triệu đồng (trong khi thỏa thuận ban đầu, anh em bà Bình chỉ đồng ý bán 114 m2 đất, phần đất còn lại có căn nhà tình nghĩa mà nhà nước xây cất cho ông Thị Kinh).

Đáng nói, ở phần “Lời công chứng viên xác nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” có sự xuất hiện của ông Trương Hoàng Vũ (CMND số: 381.603.877, ngụ tại xã Tân Hưng, H.Cái Nước) là người làm chứng cho ông Thị Kinh buôn bán đất cho bà Hằng và chồng là Đặng Kha Ly.

Anh em bà Bình cho biết, do không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật nên mới bị bà Hằng lừa một cách “ngoạn mục” như vậy. “Tiền bán đất cho bà Hằng, bà ấy chưa thanh toán, trong khi đất của anh em chúng tôi đã bị bà ấy xây dựng nhà, cho nên dù có chết, anh em chúng tôi cũng phải liều mình để giữ đất, chờ pháp luật xem xét đơn tố giác của anh em chúng tôi”, bà Bình nói trong uất nghẹn.

Hạnh Hoàng

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ sập bẫy ‘nữ đại gia’ bất động sản: Nhiều chuyện hy hữu