Báo The Columbus Dispatch ngày 13.9 (giờ địa phương) ghi nhận vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của CHDCND Triều Tiên hôm 9.9 có sức công phá mạnh nhất tính đến nay và là một bước thay đổi cục diện quan trọng. Vụ thử chứng tỏ Triều Tiên đã đủ sức lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo và có thể phóng tên lửa đi bất cứ lúc nào.

Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên mang ý nghĩa gì?

15/09/2016, 15:33

Báo The Columbus Dispatch ngày 13.9 (giờ địa phương) ghi nhận vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của CHDCND Triều Tiên hôm 9.9 có sức công phá mạnh nhất tính đến nay và là một bước thay đổi cục diện quan trọng. Vụ thử chứng tỏ Triều Tiên đã đủ sức lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo và có thể phóng tên lửa đi bất cứ lúc nào.

Địa chấn mạnh xảy ra sau vụ thử hạt nhân ngày 9.9 của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: AFP

Ngày 10.9, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se tuyên bố vụ thử hạt nhân hôm trước đó của CHDCND Triều Tiên cho thấy năng lực hạt nhân nước này đã phát triển một cách nhanh chóng trong 10 năm qua.

Với chế độ bảo mật thông tin chặt chẽ và không cho phép tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào từ bên ngoài của Bình Nhưỡng, báo The Columbus Dispatch đánh giá có nhiều lý do để nghi ngờ tính xác thực của thông tin nêu trên. Tuy nhiên, các tuyên bố của Triều Tiên có thể cung cấp một số manh mối quan trọng.

Triều Tiên đã đạt được kết quả gì?

CHDCND Triều Tiên tuyên bố: “Việc tiêu chuẩn hóa các đầu đạn hạt nhân cho phép Triều Tiên chế tạo bất cứ khi nào với số lượng không hạn chế các loại đầu đạn nhỏ, nhẹ và đa dạng với sức công phá mạnh hơn. Điều này đã đưa công nghệ trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo của chúng tôi sang tầm cao mới”.

Tuyên bố này ám chỉ Triều Tiên tự tin có thể chế tạo và sản xuất hàng loạt các đầu đạn thu nhỏ và lắp vào tên lửa đạn đạo.

Chuyên gia quân sự Kim Dae-young thuộc Diễn đàn An ninh và quốc phòng Hàn Quốc (Hàn Quốc) đánh giá điều này có nghĩa Bình Nhưỡng đã có thể phát triển mẫu vũ khí hạt nhân tích hợp sử dụng trên nhiều loại tên lửa khác nhau như tên lửa Scud, tên lửa tầm trung Rodong và Musudan cùng một số loại tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Chuyên gia hạt nhân Whang Joo-ho ở Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) ghi nhận từ vụ thử hạt nhân lần này cùng những gì các nhà khoa học rút ra được từ 4 vụ thử trước, chúng ta có thể hiểu từ nay về sau, Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân có thể được dùng để tấn công các nước láng giềng ở châu Á.

Người dân Bình Nhưỡng theo dõi truyền hình phát tuyên bố thử hạt nhân ngày 9.9 - Ảnh: KRT

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Washington, cũng đưa ra nhận định tương tự. Ông cho rằng Triều Tiên đã có thể hoặc sắp có thể trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn mang đầu đạn hạt nhân.

Ông đánh giá: “Kiến thức từ năm vụ thử hạt nhân và hàng loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt trong 12 tháng gần đây, đã cung cấp cho các chuyên viên kỹ thuật Triều Tiên niềm tin rằng họ có thể triển khai đầu đạn lên tên lửa đạn đạo. Nếu hiện giờ họ vẫn chưa làm được điều đó thì chắc chắn trong tương lai họ sẽ thực hiện nhiều vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa hơn nữa”.

Dù sao chăng nữa, có một điều chắc chắn rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 5 này là vụ thử lớn nhất từ trước đến nay. Seoul đánh giá cơn địa chấn mạnh 5 độ richter sau vụ thử lần 5 lớn hơn toàn bộ 4 cơn địa chấn trước đó sau khi Triều Tiên thử hạt nhân. Năm 2006, sóng địa chấn nhân tạo chỉ mạnh 3,9 độ richter sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên hay địa chấn mạnh 4,8 độ richter sau vụ thử thứ 4 hồi tháng 1.2016.

Vụ thử hạt nhân hôm 9.9 có sức công phá từ 10 đến 12 kiloton, tương đương 70% đến 80% công suất quả bom nguyên tử mạnh 15 kiloton mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima (Nhật) năm 1945, theo đánh giá của Cục Khí tượng Hàn Quốc. Trong khi đó, vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1 vừa qua mạnh khoảng 6 kiloton. Điều này cho thấy sức công phá của vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã gia tăng.

Chuyên gia Kim Dae-young phát biểu: “Nếu các vụ thử trước được tiến hành với mục đích chế tạo bom hạt nhân, vụ thử mới nhất chứng tỏ cuối cùng Triều Tiên đã thực sự sở hữu bom hạt nhân”.

Trong một báo cáo năm 2010, Viện Nghiên cứu quốc phòng (thuộc tổ chức RAND của Mỹ) nêu một vụ nổ hạt nhân với sức công phá 10 kiloton ở Seoul có thể khiến 200.000 người chết và tất cả bệnh viện trên toàn Hàn Quốc sẽ quá tải.

Người dân tại trạm tàu điện ngầm Seoul lo lắng theo dõi vụ thử hạt nhân ngày 9.9 của Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Triều Tiên có thể làm được những gì?

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Bình Nhưỡng đã có thể sản xuất đầu đạn đủ nhỏ và nhẹ để lắp cho tên lửa cũng như liệu các tên lửa này có thể bay tới các căn cứ Mỹ hay không?

Về vấn đề này, chuyên gia Daryl Kimball ghi nhận Triều Tiên chưa chứng tỏ khả năng phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung đủ sức bay trở về khí quyển và còn phải mất rất nhiều năm để có thể chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân để tấn công được nước Mỹ.

Giả sử Triều Tiên đã hoàn thành công đoạn thu nhỏ đầu đạn thì điều chúng ta cần xác định là nước này sẽ có thể chế tạo và thả bao nhiêu quả bom mang đầu đạn hạt nhân?

Như đã biết, Triều Tiên hiện nay vẫn là một nước nghèo và chưa thể phát triển như Mỹ và Liên Xô vào giai đoạn bắt đầu cho ra đời vũ khí hạt nhân. Chính vì thế, một điều rõ ràng rằng Triều Tiên chưa thể triển khai nhiều loại đầu đạn cho nhiều loại tên lửa khác nhau được.

Ngoài ra, điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào số lượng nhiên liệu hạt nhân. Theo một báo cáo của Hàn Quốc năm 2014, Triều Tiên có thể có khoảng 40 kg nhiên liệu hạt nhân plutonium chất lượng quân sự. Con số này đủ để chế tạo 7 quả bom nguyên tử. Nhưng Bình Nhưỡng cũng phát triển chương trình làm giàu uranium một cách bí mật. Chính vì vậy, nếu chương trình này được nâng cấp thì có thể Triều Tiên đã có rất nhiều nhiên liệu chế tạo bom.

Stephen Schwartz, một chuyên gia độc lập về vũ khí hạt nhân, nhận xét tuyên bố của Triều Tiên về vụ thử hạt nhân lần thứ 5 cho thấy thiết bị hạt nhân trong vụ nổ này sử dụng một lõi phân hạch phức hợp dùng cả hai loại nhiên liệu plutonium và uranium.

Nếu tuyên bố này là sự thật thì có thể Triều Tiên đã sản xuất được nhiều vũ khí hạt nhân hơn nhờ vào hai loại nhiên liệu này thay vì chỉ dùng plutonium hay uranium.

CHDCND Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa từ tàu ngầm - Ảnh: NBC News

Triều Tiên sẽ tiến hành nhiều vụ thử nghiệm nữa?

Điều này là hoàn toàn có thể. Nhà phân tích Lee Choon-geun ở Viện Chính sách công nghệ và khoa học (Hàn Quốc) đánh giá các vụ thử hạt nhân mới sẽ cho phép Triều Tiên cải tiến các mẫu đầu đạn hạt nhân và phát triển một loại bom tích hợp sử dụng cả nhiên liệu uranium và plutonium với sức công phá lớn hơn.

Ngoài ra, Triều Tiên đã tuyên bố theo đuổi cả hai phương diện phát triển hạt nhân và kinh tế. Vụ thử hạt nhân lần này được miêu tả như một thành công vượt bậc, cho phép nước này tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế đang hấp hối và người dân đang đấu tranh giải quyết lương thực.

Triều Tiên có khoa trương sự thật?

Vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên được thông báo bởi một cơ quan với cái tên còn khá xa lạ - Viện Vũ khí hạt nhân. Các nhà quan sát hết sức thắc mắc với chi tiết đó vì cơ quan này chưa bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Triều Tiên trước đây.

Có thể nói đây chính là cách Triều Tiên khẳng định với thế giới rằng quốc gia này đang chính thức theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp phản đối từ Washington, Seoul cùng nhiều nước khác. Về quan điểm tuyên truyền, tuyên bố hôm 9.9 của Triều Tiên là lời khẳng định rằng Triều Tiên là một đất nước hào hùng được dẫn dắt bởi một lãnh tụ vĩ đại.

Cuối cùng, nếu tuyên bố của Triều Tiên chỉ đơn giản là lời phóng đại, đe dọa và tuyên truyền về những gì mà nước này muốn chúng ta nhìn nhận hay đó thật sự là một sự cải tiến hạt nhân, viễn cảnh mà Triều Tiên muốn vẽ nên cho thế giới thấy cũng cung cấp nhiều manh mối quan trọng như chính những gì đang thực sự diễn ra.

Gia Khang

Bài liên quan
Tìm thấy mảnh vỡ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tại Ukraine
Trong báo cáo vừa trình lên một ủy ban thuộc Hội đồng Bảo an, đội ngũ giám sát viên trừng phạt của Liên Hợp Quốc xác định mảnh vỡ tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv (Ukraine) ngày 2.1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của CHDCND Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
2 giờ trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên mang ý nghĩa gì?