Theo kết luận điều tra, người tố giác hành vi nữ cục trưởng nhận tiền hối lộ là một lãnh đạo của SCB.
Tố giác tội phạm, thoát trách nhiệm hình sự
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Ngân hàng SCB, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) về tội “Nhận hối lộ”, số tiền lên tới 5,2 triệu USD.
Đáng chú ý, trong kết luận có đề cập tới người đã tố giác hành vi của bà Nhàn, đó là ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB, người trực tiếp đưa tiền cho Nhàn theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo kết luận, ông Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho bị can Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của bà Nhàn (từ trước khi khởi tố vụ án), hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án.
Do vậy, cơ quan điều tra căn cứ theo đúng quy định của pháp luật, Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Văn về tội “Đưa hối lộ”.
Đối với ông Nguyễn Nam Tuấn (lái xe cho ông Văn) là người tiếp nhận các thùng xốp từ SCB và đi cùng ông Văn đến nhà riêng đưa cho Nhàn, theo cơ quan điều tra, ông Tuấn không biết trong thùng đựng tiền và không biết nội dung thỏa thuận. Ngoài ra, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Văn nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với Nguyễn Nam Tuấn.
Đối với Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), cơ quan điều tra cho biết bị can đã bỏ trốn, xuất cảnh đi nước ngoài nên đã ra quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã đối với Thành về tội “Tham ô tài sản” , “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”. Sau khi bắt được bị can, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét, làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo kết luận điều tra, bị can Đỗ Thị Nhàn là trưởng đoàn và là người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra ngân hàng SCB. Nhưng trong quá trình thanh tra, Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan, lãnh đạo SCB và nhận số tiền 5,2 triệu USD thông qua lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT) và Võ Tấn Hoàng Văn.
Sau đó, bị can Nhàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho NHNN dẫn đến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ việc tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Bị can Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới, bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỉ đồng, trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỉ đồng… nhằm mục đích có lợi cho Ngân hàng SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo Chính phủ.
Bị can Nhàn còn bị cáo buộc báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nhàn thừa nhận việc bản thân đã nhận số tiền 5,2 triệu USD. Cụ thể, khoảng tháng 3.2018, Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn ra Hà Nội và lên phòng làm việc của Nhàn, đưa cho Nhàn một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD. Bị can Nhàn mang tiền về cất ở nhà.
Thời gian sau, Võ Tấn Hoàng Văn và Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của ông Văn) 3 lần mang các thùng xốp đựng tiền USD đưa cho Nhàn. Tổng cộng 3 lần là 5 triệu USD. Số tiền này, bị can Nhàn chưa sử dụng.
Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan (trong quá trình mở rộng điều tra vụ án), Nhàn đã chia số tiền này thành 2 phần và mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng. Số tiền còn lại, Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại và mang sang nhà em trai cùng cha khác mẹ cất vào trong tủ ở phòng ngủ. Bị can Nhàn khóa tủ và cầm chìa khóa.
Nữ bị can khai rằng những người mà Nhàn nhờ gửi tiền hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc số tiền.
Tách vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”
Ngoài 86 bị can bị đề nghị truy tố, cơ quan điều tra nhận thấy còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hay miễn trách nhiệm hình sự.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính quyền.
Từ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của nhiều bị can trong vụ án, những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cơ quan điều tra sẽ có kiến nghị gửi cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhằm khắc phục và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp.
Cơ quan CSĐT tách vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu và “Rửa tiền”, cùng một số sai phạm liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý và thu hồi triệt để tài sản, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.