PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng nếu bỏ vốn đúng thời hạn, đúng dự án, đúng công việc thì giá trị nhà máy hoàn thành, đi vào sản xuất kinh doanh thì sẽ biết đem lại lợi ích thế nào cho nền kinh tế. Từ đó tính ra thiệt hại thì chuẩn xác hơn.

Vụ xử ông Thăng và đồng phạm: Tranh cãi về giám định thiệt hại, chuyên gia nói gì?

Trí Lâm | 11/01/2018, 17:14

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng nếu bỏ vốn đúng thời hạn, đúng dự án, đúng công việc thì giá trị nhà máy hoàn thành, đi vào sản xuất kinh doanh thì sẽ biết đem lại lợi ích thế nào cho nền kinh tế. Từ đó tính ra thiệt hại thì chuẩn xác hơn.

          

Liên quan đến vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với vị trí Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng EPC số 33 đã ký để tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC.

Ông Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã sử dụng 1.115 tỉ đồng từ khoản tạm ứng này vào các mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỉ đồng.

Bản kết luận giám định khẳng định thời gian chiếm dụng 1.115 tỉ đồng của PVC đã khiến cho số tiền này không phát huy được tác dụng tối đa đối với doanh nghiệp. Do đó, kết luận giám định đã tính thiệt hại trên cơ sở tiền lãi huy động vốn do ngân hàng huy động tại thời điểm đó (15%/năm).

Như vậy, kết luận giám định xác định hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hơn 119 tỉ đồng. Trong đó, 51 tỉ đồng là tiền lãi trên số tiền 1.115 tỉ đồng không sử dụng vào mục đích dự án và 68 tỉ đồng là tiền lãi do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết tiền trước khi chuyển cho PVC để trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiền gửi, mà tài khoản thanh toán thì lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tài khoản tiền gửi. Cụ thể, lãi suất với đồng USD là khoảng 0,2% còn tiền Việt Nam là 2%. Trong khi đó lãi suất tiền gửi là từ 12% trở lên.

Luật sư cũng hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về kết luận của giám định viên rằng việc tài khoản thanh toán có được coi là tài khoản tiền gửi không, có phù hợp với tư duy kinh doanh không, ông Sơn nói kết luận như vậy không đúng bản chất về kinh tế. Ông Sơn cho rằng đó là căn cứ chung chung, xác định hành vi vi phạm chứ không phải thiệt hại.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, khi mà nói đến việc đầu tư, nếu bỏ vốn đúng thời hạn, đúng dự án, đúng công việc thì giá trị nhà máy hoàn thành, đi vào sản xuất kinh doanh thì sẽ biết đem lại lợi ích thế nào cho nền kinh tế. Từ đó tính ra thiệt hại thì chuẩn xác hơn. Còn nếu chỉ tính theo lãi mà tiền này không được sử dụng đúng mục đích, từ đó gây nên thiệt hại thì chưa hẳn đã chuẩn xác.

Theo ông Thịnh, nếu nói đến các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản khu vực công, thông thường sẽ tính trên lãi suất vay ưu đãi, mà lãi suất này thường rất thấp chứ không phải cao như tính theo lãi suất thị trường. Còn lập luận rằng nếu số tiền đó không bị chiếm dụng, đem đi gửi ngân hàng hay đầu tư thì nên tính theo lãi suất lãi suất trái phiếu chính phủ thời điểm đó. Ở trường hợp này là xét trên phương diện xuất xứ vốn, vì Nhà nước đã đứng ra trả lãi thay cho anh trong việc huy động vốn.

“Còn nếu tính theo lãi suất thị trường, có nghĩa là nếu số tiền đó đi vay ngân hàng là bao nhiêu thì nó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tuy nhiên, nếu tính đúng thì phải tính rằng số tiền đó đầu tư đúng vào dự án thì dự án đó sẽ mang lại lợi ích gì”, ông Thịnh nói.

Nói trên tờ Tuổi Trẻ, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay một doanh nghiệp có thể để tiền trong tài khoản thanh toán hoặc gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Dĩ nhiên tiền gửi không kỳ hạn lãi suất rất thấp.

Về thiệt hại, nếu số tiền trên không bị chiếm dụng thì doanh nghiệp có thể sử dụng để gửi ngân hàng hoặc đầu tư. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải tính lãi suất thế nào cho phù hợp.

“Theo tôi, nên dựa vào lãi suất trái phiếu chính phủ cộng với một biên độ nhất định để tính là hợp lý nhất”, ông Hiếu nói.

Về "chi phí cơ hội", ông Hiếu cho rằng có thể hiểu nôm na là tôi có một số tiền (chẳng hạn 1 tỉ đồng), nếu đầu tư vào một ngành nghề mà tỷ lệ sinh lợi chẳng hạn 7-10%/năm thì lẽ ra hằng năm tôi thu được số tiền này nhưng số tiền trên được sử dụng vào mục đích khác nên sau đó chỉ thu được tiền gốc. Như vậy tôi mất đi số lãi lẽ ra được hưởng, tức tôi bị thiệt hại mất cơ hội đầu tư sinh lãi.

Lam Thanh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ xử ông Thăng và đồng phạm: Tranh cãi về giám định thiệt hại, chuyên gia nói gì?