Ngày 6.4, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết sau 2 tháng được cán bộ kỹ thuật của vườn chữa trị, con khỉ mốc bị thương nặng do dính bẫy đã bình phục.
Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang cho biết, vào đầu tháng 2 vừa qua, vườn tiếp nhận một cá thể khỉ mốc từ Công an xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Tại thời điểm tiếp nhận, con khỉ mốc nói trên bị thương nặng do dính bẫy cáp. Con vật này có một vết thương ở cổ hình tròn do dây cáp siết chặt, vết thương có dấu hiệu bị hoại tử chưa được cầm máu; phần vai và cánh tay trái bị vết thương sâu khoảng 3cm. Lúc này con khỉ mốc không tự cầm được thức ăn khi cán bộ kỹ thuật cho ăn, dấu hiệu sức khỏe rất yếu.
Sau khi tiếp nhận con khỉ bị thương, cán bộ cứu hộ động vật của VQG Vũ Quang tiến hành sơ cứu ban đầu, làm sạch và khâu vết thương vùng vai của nó, tiếp đó thực hiện các biện pháp trị liệu khác.
Sau hơn 2 tháng được chữa trị, hiện tại sức khỏe con khỉ mốc này đã hoàn toàn bình thường, được đưa vào chăm sóc để tiến hành tái hòa nhập tại khu chăm sóc, cứu hộ của VQG Vũ Quang.
Khỉ mốc có tên khoa học là Macaca assamensis, thuộc bộ khỉ hầu, là động vật thuộc nhóm 2B, nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ khẩn cấp được quy định trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo Ban quản lý VQG Vũ Quang, từ năm 2019 đến nay, vườn đã tiếp nhận 1.480 cá thể động vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, trong đó có 722 cá thể thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm; tiến hành tái thả 298 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên tại vườn và 3 cá thể được chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương.
VQG Vũ Quang nằm ở phía tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách TP.Hà Tĩnh 60km. Vườn nằm trên địa bàn hành chính của 3 huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê, có 60km giáp biên giới Việt - Lào.
Khu hệ động vật của VQG Vũ Quang có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện.
Trong đó có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (2017) và Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 06 của Chính phủ cần được ưu tiên bảo tồn.
VQG Vũ Quang có giá trị sinh học lớn bởi đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn.
Tại đây có có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), mang Trường Sơn (Megamuntiacus truongsonensis), thỏ vằn (Nesolagus timinski), cầy vằn bắc (Migalus owstoni), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys), gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus), ếch cây sần Bắc Bộ (Theloderma corticale)...