WHO vừa cảnh báo biến thể Omicron gây nguy hiểm cho người chưa tiêm vắc xin, nguy cơ xuất hiện biến thể đáng sợ hơn

WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện chủng đáng sợ hơn Omicron

Sơn Vân | 13/01/2022, 08:20

WHO vừa cảnh báo biến thể Omicron gây nguy hiểm cho người chưa tiêm vắc xin, nguy cơ xuất hiện biến thể đáng sợ hơn

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết biến thể Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta nhưng vẫn là "vi rút nguy hiểm", đặc biệt với những người chưa được tiêm vắc xin.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hơn 90 quốc gia chưa đạt được mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho 40% dân số của mình và hơn 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa nhận được một liều nào.

Người đứng đầu WHO nói: “Chúng ta không được phép cho loại vi rút này lưu hành tự do hoặc vẫy cờ trắng, đặc biệt là khi rất nhiều người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm vắc xin”.

who-canh-bao-co-the-xuat-hien-chung-dang-so-hon-omicron2.jpg
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể có thể lây truyền cao hơn và gây tử vong nhiều hơn Omicron - Ảnh; Reuters

Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần của mình, WHO cho biết số ca mắc COVID-19 tăng 55%, tương đương 15 triệu, vào tuần tính đến ngày 9.1.2022 so với một tuần trước đó. Theo WHO, đến nay đây là số ca COVID-19 được báo cáo nhiều nhất trong một tuần.

Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận xét: “Sự gia tăng đột biến số ca COVID-19 này là do Omicron, biến thể đang nhanh chóng thay thế Delta ở hầu hết các quốc gia”.

Ông cho biết phần lớn những người nhập viện trên khắp thế giới vì COVID-19 đều chưa tiêm vắc xin và nếu việc lây truyền không được hạn chế thì sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện một biến thể khác thậm chí có thể lây truyền cao hơn, gây tử vong nhiều hơn Omicron.

Hôm 12.1.2022, một cơ quan kỹ thuật của WHO cho biết vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cần được làm lại để đảm bảo hiệu quả chống lại Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai.

Nhóm kỹ thuật, bao gồm các chuyên gia độc lập, cho biết sẽ xem xét thay đổi thành phần vắc xin và nhấn mạnh rằng các mũi tiêm cần có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ chống lại nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

"Thành phần của vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cần được cập nhật để đảm bảo rằng vắc xin COVID-19 tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ chống lại nhiễm vi rút do WHO khuyến nghị và bệnh từ các biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron và các chủng trong tương lai. Vắc xin COVID-19 cần tạo ra các đáp ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm nhu cầu về tiêm các liều tăng cường liên tiếp. Chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều nhắc lại của chế phẩm vắc xin ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững", theo cơ quan kỹ thuật, được giao nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị cho WHO.

Tuy nhiên, tuyên bố chưa hẳn ủng hộ một loại vắc xin đặc trị Omicron ở giai đoạn này, nói rằng cần có thêm nghiên cứu và kêu gọi các nhà sản xuất chia sẻ dữ liệu.

Cơ quan kỹ thuật của WHO nói rằng một loại vắc xin cập nhật có thể nhắm vào biến thể nổi trội ở nhiều nơi, hiện là Omicron, hoặc là vắc xin đa giá trị được thiết kế để chống nhiều biến thể cùng lúc. Cơ quan này sẽ bổ sung các khuyến nghị khác khi có thêm dữ liệu.

Một số công ty đã và đang phát triển vắc xin thế hệ tiếp theo nhắm vào Omicron, biến thể rất dễ lây lan được phát hiện lần đầu tiên ở miền nam châu Phi hồi tháng 11 và hiện lan ra hơn 150 nước/vùng lãnh thổ.

Hôm 10.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla cho biết loại vắc xin COVID-19 được thiết kế lại nhắm vào biến thể Omicron có thể sẵn sàng vào tháng 3.2022 nhưng ông chưa biết nó có cần thiết hay không.

Loại vắc xin này sẽ sẵn sàng vào tháng 3. Tôi không biết liệu chúng ta có cần nó hay không. Tôi không biết liệu nó có được sử dụng không, nhưng nó sẽ sẵn sàng", ông Albert Bourla nói với đài CNBC.

Pfizer có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vắc xin đặc trị biến thể Omicron trên người trước cuối tháng 1.2022.

Mikael Dolsten, Giám đốc khoa học của Pfizer, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi sẽ kiểm tra điều đó từ bây giờ vào cuối tháng 1, khi chúng tôi đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng đánh giá Omicron với vắc xin hiện tại”.

Mikael Dolsten cho biết, ngay cả khi Omicron lan rộng khắp thế giới, vẫn chưa rõ liệu cuối cùng có cần vắc xin nhắm đến Omicron hay không.

Người phát ngôn của Pfizer cho biết các chi tiết cụ thể cho nghiên cứu mới này vẫn đang được hoàn thiện với các cơ quan quản lý, bao gồm cả số lượng tình nguyện viên sẽ được đăng ký và sẽ tiến hành ở những quốc gia nào.

Mục tiêu chính của nghiên cứu sẽ là so sánh các đáp ứng miễn dịch giữa công thức vắc xin hiện tại và phiên bản cập nhật phù hợp với Omicron. Theo người phát ngôn của Pfizer, thử nghiệm sẽ kiểm tra cả hai công thức được đưa ra như liều vắc xin thứ tư để nghiên cứu trên các tình nguyện viên.

Moderna cũng đang nghiên cứu một ứng cử viên vắc xin phù hợp với Omicron nhưng không chắc sẽ có sẵn trong 2 tháng tới.

Ngoài ra, Moderna cho biết dự kiến sẽ báo cáo dữ liệu thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi vào tháng 3.2022.

Nếu dữ liệu mang tính ủng hộ, Moderna có thể tiến hành hồ sơ theo quy định với trẻ em 2-5 tuổi sau đó”, Công ty công nghệ sinh học Mỹ thông báo. 

who-canh-bao-co-the-xuat-hien-chung-dang-so-hon-omicron.jpg
Moderna dự kiến sẽ công bố ​​dữ liệu vắc xin COVID-19 cho trẻ em 2-5 tuổi vào tháng 3.2022

Vắc xin COVID-19 dựa trên nền tảng mRNA của Moderna được châu Âu, Vương quốc Anh, Úc và Canada phê duyệt cho thanh thiếu niên 12-17 tuổi. Moderna đã nộp đơn đăng ký sử dụng vắc xin COVID-19 cho trẻ em 6-11 tuổi tại những nơi đó.

Ở Mỹ, vắc xin Moderna được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt sử dụng dưới dạng phác đồ hai liều chính và mũi tiêm nhắc lại cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, FDA vẫn chưa cấp phép vắc xin Moderna dùng cho trẻ em.

Bài liên quan
WHO: Hơn 1/2 dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới, chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
Hôm 11.1.2022, quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu dự báo hơn 1/2 dân số châu lục này sẽ nhiễm biến thể Omicron trong vòng 6 đến 8 tuần tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
6 phút trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện chủng đáng sợ hơn Omicron