Các nhà khoa học hàng đầu của Anh và Mỹ cho rằng có khả năng vi rút SARS-CoV-2 vô tình rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng lo ngại rằng việc tranh luận sẽ gây hại cho khoa học Trung Quốc, theo trang The Telegraph.

Vì sao nhiều nhà khoa học hàng đầu tin SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nhưng im tiếng?

Sơn Vân | 12/01/2022, 19:11

Các nhà khoa học hàng đầu của Anh và Mỹ cho rằng có khả năng vi rút SARS-CoV-2 vô tình rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng lo ngại rằng việc tranh luận sẽ gây hại cho khoa học Trung Quốc, theo trang The Telegraph.

Vào ngày 2.2.2020, Sir Jeremy Farrar - Giám đốc Wellcome Trust gửi một email cho biết “một lời giải thích có thể xảy ra” là SARS-CoV-2 đã nhanh chóng phát triển từ loại vi rút giống SARS bên trong mô người ở phòng thí nghiệm bảo mật thấp.

Wellcome Trust là quỹ từ thiện có trụ sở tại London (Anh), tập trung vào nghiên cứu sức khỏe.

Được gửi đến tiến sĩ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ) và tiến sĩ Francis Collins (thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ), nội dung email này cho rằng sự tiến hóa như vậy có thể đã “vô tình tạo ra một loại vi rút có khả năng lây truyền nhanh chóng giữa người với người”.

Thế nhưng, một nhà khoa học hàng đầu đã nói với Sir Jeremy Farrar rằng “việc tranh luận thêm sẽ gây hại không cần thiết cho khoa học nói chung và khoa học Trung Quốc nói riêng”. Tiến sĩ Francis Collins, cựu Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cảnh báo rằng nó có thể làm hỏng “sự hòa hợp quốc tế”, theo The Telegraph.

vi-sao-nhieu-nha-khoa-hoc-hang-dau-tin-sars-cov-2-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-vu-han-nhung-im-tieng.jpg
Sir Jeremy Farrar tin rằng vi rút SARS-CoV-2 có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán - Ảnh: EPA

Viscount Ridley, đồng tác giả cuốn Viral: the search for the origin of Covid, nhận xét: “Những email này cho thấy sự thiếu cởi mở và minh bạch đáng tiếc của các nhà khoa học phương Tây, vốn có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc ngó lơ một giả thuyết mà họ cho là hợp lý vì lý do chính trị”.

Trong email, Sir Jeremy Farrar cho rằng các nhà khoa học khác cũng tin vi rút SARS-CoV-2 không thể tiến hóa tự nhiên. Một nhà khoa học như vậy là giáo sư Mike Farzan, thuộc Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ), chuyên gia đã khám phá ra cách ban đầu vi rút SARS liên kết với các tế bào của con người.

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến một phần của SARS-CoV-2 được gọi là vị trí phân cắt furin. Đây là một phần của protein gai giúp vi rút xâm nhập vào tế bào và lây nhiễm sang người.

Tóm tắt mối quan tâm của giáo sư Mike Farzan trong một email, Sir Jeremy Farrar nói: “Ông ấy đau đầu bởi vị trí phân cắt furin và rất khó giải thích rằng đó là một sự kiện bên ngoài phòng thí nghiệm, mặc dù có những cách khả thi trong tự nhiên nhưng rất khó xảy ra.

Tôi nghĩ đây trở thành một câu hỏi làm thế nào để bạn tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau. Liệu bạn có tin vào chuỗi sự trùng hợp này?Bạn biết gì về phòng thí nghiệm ở Vũ Hán? Bao nhiêu phần trăm có thể có trong tự nhiên - rò rỉ tình cờ hay sự kiện tự nhiên? Theo tôi, tỷ lệ là 70:30 hoặc 60:40”.

Các email sau đó cho thấy rằng vào ngày 4.2.2021, Sir Jeremy đã sửa đổi ước tính của mình về khả năng rò rỉ SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm thành 50:50. Trong khi giáo sư Eddie Holmes (Đại học Sydney) đưa ra ước tính 60:40 ủng hộ khả năng rò rỉ SARS-CoV-2 tình cờ từ phòng thí nghiệm.

Các email cũng cho thấy Bob Garry (Đại học Texas) không tin rằng vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện một cách tự nhiên. Ông nói: “Tôi không thể tìm ra cách thực hiện điều này trong tự nhiên”.

Giáo sư Andrew Rambaut từ Đại học Edinburgh (Scotland) cũng nói rằng vị trí phân cắt furin "khiến tôi thấy bất thường". Ông nói thêm: “Tôi nghĩ những người duy nhất có đủ thông tin hoặc quyền truy cập vào các mẫu để giải quyết vấn đề này sẽ là các nhóm làm việc ở Vũ Hán”.

Các chi tiết mới được đưa ra ánh sáng khi các thành viên của Ủy ban Giám sát Hạ viện của đảng Cộng hòa Mỹ được cấp quyền truy cập vào các tài liệu, sau lời phàn nàn rằng nội dung của chúng bị biên tập lại nhiều lúc được phát hành theo yêu cầu Freedom of Information.

Freedom of Information là một thành tố quan trọng của quyền tự do thông tin - quyền cơ bản của con người, được Luật nhân quyền quốc tế thừa nhận và xác định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Quyền tự do thông tin bao gồm quyền tìm kiếm, thu thập, phổ biến và quyền được thông tin.

Các email được gửi để đáp lại cuộc hội đàm từ xa giữa 12 nhà khoa học, gồm cả Sir Patrick Vallance, cố vấn khoa học chính của chính phủ Anh, vào ngày 1.2.2020.

Các email cho thấy ngày 2.2.2020, các nhà khoa học đã cố gắng chấm dứt cuộc tranh luận về lý thuyết rò rỉ vi rút SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Một email từ tiến sĩ Ron Fouchier (nhà vi rút học người Hà Lan) gửi đến Sir Jeremy Farrar cho biết: “Việc tranh luận thêm về những cáo buộc như vậy sẽ khiến các nhà nghiên cứu hàng đầu mất tập trung vào nhiệm vụ tích cực của họ, gây tổn hại không cần thiết cho khoa học nói chung và khoa học Trung Quốc nói riêng”.

Tiến sĩ Francis Collins đã trả lời Sir Jeremy Farrar rằng: “Tôi chia sẻ quan điểm của ông rằng cần phải triệu tập nhanh chóng các chuyên gia trong một khuôn khổ truyền cảm hứng về lòng tin nếu không tiếng nói của thuyết âm mưu sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế, gây nguy hại tiềm tàng lớn cho khoa học và hòa hợp quốc tế”.

Các tổ chức nắm giữ các email này đã nhiều lần chống lại việc công khai nội dung đó.

Đại học Edinburgh gần đây đã từ chối yêu cầu Freedom of Information từ The Telegraph muốn xem các câu trả lời của giáo sư Andrew Rambaut, khi tuyên bố rằng “việc tiết lộ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần và sự an toàn của các cá nhân”.

James Comer, nghị sĩ đảng Cộng hòa, người bảo mật các email chưa được phản hồi, nói điều đó cho thấy các chuyên gia như Anthony Fauci đã coi lý thuyết rò rỉ vi rút SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm Vũ Hán “nghiêm túc hơn nhiều” so với những gì họ hé lộ.

Sir Jeremy Farrar đã được tiếp cận để đưa ra bình luận nhưng chưa trả lời.

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng bị dọa giết và tấn công tình dục vì nói về nguồn gốc COVID-19

Theo một cuộc khảo sát từ Tạp chí Nature, sau khi phát biểu với truyền thông về nguồn gốc COVID-19, rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã bị dọa giết và tấn công tình dục.

Trong số 321 nhà khoa học tham gia khảo sát, 15% cho biết họ từng bị đe dọa tính mạng và 22% bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục vì đã nói chuyện công khai về đại dịch. 2/3 nhà khoa học cho biết đã có trải nghiệm tiêu cực sau khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Họ bị đe dọa vì đã đưa ra quan điểm về tiêm vắc xin COVID-19, đeo khẩu trang, nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2 cũng như hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh.

Các nhà khoa học này chủ yếu đến từ Anh, Đức và Mỹ. Họ cho biết đã nhận được email và tin nhắn lạm dụng, dọa giết. Những kẻ gửi tin nhắn còn cho biết người thân của họ cũng sẽ nằm trong tầm ngắm.

Tiến sĩ Anthony Fauci phải có nhân viên bảo vệ sau khi ông và gia đình nhận được những lời đe dọa. Cố vấn y tế trưởng Chris Whitty của Anh bị tóm cổ và xô đẩy trên đường phố.

vi-sao-nhieu-nha-khoa-hoc-hang-dau-tin-sars-cov-2-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-vu-han-nhung-im-tieng1.jpg
Tiến sĩ Anthony Fauci là nạn nhân của những lời đe dọa khi phát biểu về COVID-19 - Ảnh: Reuters

Nhà vi rút học người Đức - Christian Drosten nhận được một bưu kiện với một lọ chất lỏng có nhãn "dương tính" và tờ giấy nhắn nói ông hãy uống nó.

Nhà vi rút học người Bỉ - Marc Van Ranst và gia đình ông đã được di tản đến sống ở nơi an toàn hơn, sau khi một tay súng bắn tỉa để lại tờ giấy nêu rõ ý định nhắm vào các nhà khoa học.

Bài liên quan
‘Khó có thể tìm ra nguồn gốc COVID-19 nếu Trung Quốc không hợp tác’
Thông tin chi tiết mới được công bố bởi cộng đồng tình báo Mỹ tái khẳng định rằng các cơ quan của họ khó có khả năng xác định nguồn gốc COVID-19 nếu không có thông tin mới hoặc sự hợp tác lớn hơn từ Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều nhà khoa học hàng đầu tin SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nhưng im tiếng?