Tình trạng cung cầu xăng dầu liên tục bất ổn trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh An Giang.

Xăng dầu diễn biến bất thường: Doanh nghiệp An Giang cũng bị liên lụy

Tô Văn | 06/09/2022, 18:37

Tình trạng cung cầu xăng dầu liên tục bất ổn trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh An Giang.

Các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị

Ông Hồng Phong - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) cho biết, tình hình kinh doanh xăng dầu 8 tháng đầu năm của cả nước nói chung và An Giang nói riêng diễn ra trong bối cảnh bất bình thường, khó khăn.

“Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng giảm đan xen nhưng tăng là chủ yếu, đỉnh điểm đến ngày 21.6 giá xăng trên 33.000 đồng/lít, giá dầu trên 30.000 đồng/lít; từ ngày 1.7 đến chu kỳ 1.8 giá xăng giảm liên tiếp 5 lần. Đến ngày 11.8 giá xăng chỉ còn 2.300 đồng/lít, dầu 22.900 đồng/lít; khi giá giảm sâu và liên tục các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối giảm dự trữ tồn kho để giảm lỗ. Khi giá đảo chiều tăng mạnh trở lại cùng với nguồn xăng dầu tồn kho thấp, có thể dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ ra thị trường”, ông Phong nói.

2-cuc-quan-ly.jpg
Ông Hồng Phong - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) phát biểu trong buổi đối thoại với Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang vào ngày 4.9 - Ảnh: Tô Văn

Ông Phong thông tin thêm, từ 25.8 đến nay doanh nghiệp trên địa bàn rơi vào tình trạng kinh doanh rất là khó khăn. Petrolimex An Giang cũng thường xuyên gửi báo cáo hoặc trao đổi thông tin đến Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, thông tin kịp thời với Sở Công thương, trước 25.8 nhận định thị trường tiếp tục xảy ra đứt gãy nguồn cung. Ngày 25.8 có văn bản gửi Sở Công thương và Cục QLTT để có giải pháp.

“Với vai trò của mình, Petrolimex An Giang cố gắng hết sức để đảm bảo thị trường, không đứt gãy nguồn cung. Tháng 8 Petrolimex An Giang nhập về 10.000 m3 xăng dầu, trong đó có 5.400 m3 xăng; tháng 9 đã nhập về kho cho các cửa hàng 1.100 m3. Từ ngày 25.8 đến ngày 3.9 nhập về 3.600 m3.

Petrolimex An Giang chiếm 26% thị phần của An Giang, còn lại là của các thương nhân phân phối khác. Tháng 8 nâng sản lượng bán lên 35% (9.985 m3). Từ 25.8-3.9 bán lẻ 2.643 m3, tương đương 243 m3/ngày.

Petrolimex An Giang cam kết trong hợp đồng đảm bảo nhu cầu cho các đại lý, thương nhân nhượng quyền, vì vậy rất ít đại lý trong hệ thống xảy ra tình trạng đứt hàng, có 2 trường hợp (do khách quan đã báo về Sở Công Thương).

Petrolimex An Giang đảm bảo nguồn cung ra thị trường, nếu có trường hợp hệ thống và đại lý không đảm bảo kiểm soát được bán hàng ra thị trường, thì với chức năng thành viên của đơn vị đầu mối, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các đại lý trong hệ thống”, ông Phong thông tin.

Cũng theo ông Phong, hiện tại Petrolimex An Giang rất khó khăn về nguồn cung, do từ 25.8 đến nay sức mua lớn, công ty cung ứng có thời điểm tăng 60% so với mức bình quân.

“Nếu nguồn cung trên địa bàn tiếp tục thiếu, nhỏ giọt thì có thể Petrolimex An Giang cũng không cầm cự nổi khi áp lực dồn về Petrolimex An Giang là quá lớn. Tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra đầu mối cung ứng về hệ thống bán lẻ để buộc các đầu mối có trách nhiệm với hệ thống bán lẻ của mình ở An Giang. Tôi đồng tình với nội dung Công văn 1317 của Cục QLTT tỉnh An Giang.

Kiến nghị Sở Công thương quan tâm góp ý Bộ Công thương điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày, đúng chu kỳ không kể ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết để đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát với giá thế giới, không chênh lệch quá cao, nếu chênh lệch quá cao sẽ làm doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Ngoài ra, Sở Công thương nên có tác động với Bộ Công thương tính toán chi phí định mức kinh doanh và lợi nhuận cho thương nhân đầu mối, khi đầu mối có lợi nhuận thì mới có nguồn lực để tăng thù lao, hoa hồng, giúp thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền giảm bớt khó khăn do kinh doanh suốt thời gian dài trong bối cảnh lỗ nặng”, ông Phong kiến nghị.

4-xang-tang.jpg
Trong bối cảnh cung cầu xăng dầu bất ổn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang cũng bị liên lụy - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thới, đại diện DNTN An Kiên cho biết, về phía doanh nghiệp cũng dự đoán nguồn hàng sẽ gặp khó khăn và đứt gãy. Bản thân là doanh nghiệp phân phối cấp trung gian, nhận hàng của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu rồi bán lại cho đại lý bán lẻ.

Vì vậy, để giải quyết khó khăn trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu. DNTN An Kiên luôn có nguồn dự phòng 5.000 m3 hoặc trên 5.000 m3.

“Kinh doanh ai cũng muốn có lãi nhưng kinh doanh nếu giá tăng thì hoa hồng bằng 0 mà nguồn hàng hiếm sẽ dẫn đến lỗ. Hiện nay giá hoa hồng bằng 0 thì rất khó cho các đại lý và thương nhân phân phối như chúng tôi, chúng tôi nhận hàng bằng 0, bán lại cho đại lý bằng 0, chúng tôi đang chịu lỗ chi phí vận chuyển, mà nếu kéo dài thì không bù đắp nổi.

Các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn thì không muốn cung cấp, đại lý lỗ nên e dè không muốn nhận hàng. Kỳ điều chỉnh giá rơi vào 4 ngày lễ nên nguồn cung bị thiếu. Nguồn cung từ đầu mối gặp khó khăn do biên độ tăng giảm lớn, dễ lỗ. Các cơ quan cũng thông cảm cho doanh nghiệp đã cố gắng hết sức mình, chứ không hề lơ là”, ông Thới bày tỏ.

Ngành quản lý nhà nước nói gì?

Vào sáng 6.9, trả lời câu hỏi của phóng viên Một Thế Giới, một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua nguồn xăng dầu khó khăn, đặc biệt là dầu DO; cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang kinh doanh với mức hoa hồng 0 – 200 đồng/lít không đảm bảo đủ chi phí thuê mướn nhân viên, điện, nước, chi phí vận chuyển, hao hụt…

“Sở Công thương thường xuyên động viên các cửa hàng xăng dầu đồng hành, chung tay với nhà nước vượt qua khó khăn lúc này và đề nghị không được tạm ngừng kinh doanh trong thời gian tới.

Ngoài ra, sở thường xuyên phối hợp Cục QLTT, địa phương theo dõi sát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo, gửi Bộ Công thương để thực hiện tốt hơn trong công tác điều hành xăng dầu thời gian tới đặc biệt là chu kỳ điều chỉnh giá, cách tính giá cơ sở”, vị này thông tin.

15-xang-.jpg
Một hoạt động kiểm tra xăng dầu của lực lượng chức năng tỉnh An Giang - Ảnh: N.H

Vị này thông tin thêm, hiện nay tỉnh có 5 thương nhân đầu mối xăng dầu (chiếm 36,5%); 6 thương nhân phân phối và 2 tổng đại lý trong tỉnh (48%); 21 thương nhân phân phối ngoài tỉnh (15,5%) và khoảng 583 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã cấp mới 4 giấy chứng nhận (giảm 55% so với cùng kỳ), cấp sửa đổi 45 giấy chứng nhận (tăng 40% so với cùng kỳ). Việc cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận do thay đổi thương nhân cung cấp xăng dầu (chiếm 89%) hoặc cho thuê cửa hàng (chiếm 11%).

“Về tình hình dự báo, hiện đơn vị phối hợp Cục QLTT, địa phương theo dõi sát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xăng dầu để báo cáo Bộ Công thương xem xét, chỉ đạo nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho địa bàn tỉnh An Giang”, vị này khẳng định.

Trước đó, vào sáng 4.9, Cục QLTT  tỉnh An Giang đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối về một số nội dung liên quan tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Xăng giảm giá, dầu tăng giá mạnh

Chiều 5.9, liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ. Cụ thể, giá xăng E5 giảm 370 đồng/lít, còn 23.350 đồng/lít; giá xăng A95 giảm 430 đồng, còn 24.230 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng mạnh 1.430 đồng/lít, lên mức 25.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.390 đồng, lên 25.440 đồng/lít; dầu mazut giảm 470 đồng, giá bán là 16.079 đồng/kg.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng dầu diễn biến bất thường: Doanh nghiệp An Giang cũng bị liên lụy