Cần xây dựng chính sách thử nghiệm các sản phẩm, mô hình kinh doanh, công nghệ mới. Thanh toán điện tử, kinh tế chia sẻ... đã bước đầu phát huy hiệu quả trong thời gian qua khi dịch COVID-19 xảy ra.

Xây dựng chính sách thử nghiệm sản phẩm, mô hình kinh doanh mới

Hoài Lam | 06/04/2021, 14:48

Cần xây dựng chính sách thử nghiệm các sản phẩm, mô hình kinh doanh, công nghệ mới. Thanh toán điện tử, kinh tế chia sẻ... đã bước đầu phát huy hiệu quả trong thời gian qua khi dịch COVID-19 xảy ra.

Kiểm soát dịch là điểm sáng

Theo ThS Lê Thị Hương, Trường đại học Kinh tế quốc dân, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19, tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 là 2,91% - mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2010-2020 nhưng lại là mức tăng trưởng dương và thuộc nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong năm 2020 và cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục 19,1 tỉ USD...

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt, khi đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chung đạt 46,1%, cao hơn nhiều mức 33,58% của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu 30% - 35%...

vac-xin.jpg
Kiểm soát dịch COVID-19 là điểm sáng của Việt Nam

“Kết quả tích cực này đã khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong phối hợp điều hành, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như trong việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả”, bà Hương nhận định.

Ngoài ra, theo bà Hương, các cân đối vĩ mô được duy trì ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; đầu tư công có những chuyển biến rõ rệt; thị trường chứng khoán phục hồi nhanh từ đáy vào cuối tháng 3.2020; năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính, gần 3.900 điều kiện kinh doanh, gần 6.800 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…

Mối lo nợ xấu, nghĩa vụ trả nợ tăng

Mặc dù kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng nhưng bà Hương cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Hương cho rằng các tổ chức quốc tế, chuyên gia tiếp tục cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, Việt Nam cũng cần lưu tâm vấn đề này.

Một khó khăn nữa là việc thu hút vốn FDI giảm mạnh so với những năm trước. Lũy kế đến hết ngày 20.12.2020, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 28,5 tỉ USD, giảm 25% so với năm 2019, trong đó, chỉ có vốn đăng ký điều chỉnh tăng (+10,6%), mức giảm mạnh nhất thuộc về vốn góp và mua cổ phần (giảm 51,7%). Vốn FDI giải ngân ước đạt gần 20 tỉ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2019.

chuyen-doi-so-3.jpg
Nghĩa vụ trả nợ gia tăng

Theo chuyên gia này, nguyên nhân là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể nhà đầu tư còn cân nhắc hoặc mới dịch chuyển một phần (nhỏ lẻ, dễ dịch chuyển); việc hạn chế hoặc chưa cho đi lại bằng đường hàng không do dịch bệnh phức tạp khiến việc thực địa, khảo sát, tìm hiểu và đàm phán của nhà đầu tư bị gián đoạn; tác động tiêu cực của dịch bệnh khiến nhiều nhà đầu tư khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nên do dự mở rộng đầu tư.

Cũng theo bà Hương, các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019, là năm giảm duy nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Mặc dù số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động kinh doanh tăng 11,9%, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (lên đến 46,6 nghìn doanh nghiệp) tăng 62,2% so với năm trước, mức tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Một hạn chế nữa của nền kinh tế là rủi ro nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ gia tăng. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu đã vượt mức 2%, song vẫn trong tầm kiểm soát nhờ việc Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nợ để có thể cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh... (theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020).

Cùng với đó, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như nêu trên, khiến nợ xấu có xu hướng tăng lên và tín dụng tăng chậm hơn.

Tính đến ngày 21.12.2020, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 10,14%, thấp hơn mức 13,6% của năm 2019 khi sức cầu còn yếu và khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của một số khách hàng khó khăn hơn do năng lực tài chính giảm sút.

Thâm hụt ngân sách tăng từ mức 3,4% GDP năm 2019 lên 4,2% GDP năm 2020. Nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách nhà nước ước tính năm 2020 là 23% và năm 2021 có thể vượt ngưỡng 25% của Quốc hội nếu mặt bằng lãi suất vay nợ tăng lên.

Tái cơ cấu kinh tế chậm

Cũng theo chuyên gia này, việc tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. Hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2016-2019 cải thiện chưa đáng kể (hệ số ICOR là 6,13 lần, chỉ giảm nhẹ so với mức 6,25 lần của giai đoạn trước).

Quá trình cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn DNNN giai đoạn 2016-2020 vẫn chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém còn chậm; một phần là do dịch COVID-19 khiến hoạt động của các dự án này trở nên khó khăn hơn.

Cùng với đó, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu (nhất là xử lý tài sản đảm bảo) vẫn còn khó khăn, chủ yếu do khâu phối kết hợp và yếu tố thị trường không mấy khả quan.

Tính bền vững và năng lực chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài còn mỏng. Thành tích xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là đáng ghi nhận (kim ngạch tăng 6,5%), nhưng chủ yếu lại là do khối doanh nghiệp FDI dẫn dắt, với mức tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm % so với năm trước), trong khi khu vực kinh tế trong nước giảm 1,1%, chiếm 27,8%.

co-phan-hoa.jpg
Công tác cổ phần hóa chậm

Điều này chứng tỏ doanh nghiệp FDI chịu đựng cú sốc tốt hơn và đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do FTA tốt hơn doanh nghiệp nội.

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam dù tăng nhanh và đạt gần 100 tỉ USD (như NHNN công bố), nhưng cũng chỉ tương đương 3,7 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức 7,5 tháng của ASEAN-4 và 14 tháng của Trung Quốc…

"Việc này cho thấy rõ nhu cầu cần tăng dự trữ ngoại hối, trong khi việc Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” có ảnh hưởng nhất định đến tiến trình tăng dự trữ ngoại hối này", bà Hương chia sẻ.

Chú trọng chuyển đổi số cho giai đoạn tới

Mục tiêu tổng quát mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 -7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 -5 .000 USD...

Bà Hương cho rằng để thực hiện được những mục tiêu đó thì cần phải có các giải pháp đồng bộ như Chính phủ, các bộ, ngành tích cực triển khai các luật nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020…

Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến việc chuyển đổi số toàn diện.

Đặc biệt, xây dựng các chính sách cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, thanh toán điện tử, kinh tế chia sẻ đã bước đầu phát huy hiệu quả ở nước ta trong thời gian qua khi dịch COVID-19 xảy ra.

chuyen-doi-so.jpg
Chuyển đổi số cần được chú trọng cho giai đoạn tới

“Thực tế cho thấy, khi dịch COVID-19 xảy ra, kỹ thuật số hóa, không chỉ thương mại điện tử mà cả trong các cuộc họp - hội nghị của Quốc hội, của Chính phủ, trong giáo dục, trong y tế, làm việc văn phòng; không ít doanh nghiệp đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác khách hàng thành công nhờ công nghệ số, đây cũng là xu hướng phát triển trong tương lai”, bà Hương nêu.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần chú trọng đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, bảo vệ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng chính sách thử nghiệm sản phẩm, mô hình kinh doanh mới