Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam dù có cải thiện, nhưng vẫn còn chậm và thấp so với khu vực cũng như trên thế giới.

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp

Hoài Lam | 01/04/2021, 13:44

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam dù có cải thiện, nhưng vẫn còn chậm và thấp so với khu vực cũng như trên thế giới.

Cơ cấu GDP vẫn lạc hậu

Theo tham luận của PGS-TS Phạm Hồng Chương và ThS Nguyễn Quỳnh Trang (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) tại hội thảo  "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển", thì chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng theo chiều rộng, đến từ tăng trưởng đầu tư và tăng trưởng tín dụng.

anh-ht.jpg
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

“Chất lượng tăng trưởng dù có cải thiện, nhưng còn chậm và ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới. Thách thức với nền kinh tế còn rất lớn, bao gồm việc đuổi kịp và bắt nhịp với phát triển kinh tế toàn cầu; vượt lên nguy cơ tụt hậu trong Cách mạng công nghiệp 4.0; giải phóng tiềm lực bị hạn chế bởi hệ thống hạ tầng và vốn con người; biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường”, tham luận nêu.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) có cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Đối với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, hệ số ICOR vẫn ở mức cao trên 6 và không có sự cải thiện đáng kể từ năm 2016. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực, nên ICOR lên đến 14,28, khiến bình quân giai đoạn 2016 - 2020 hệ số ICOR ở mức cao 7,04.

Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu trong đổi mới sáng tạo trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam còn yếu về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành theo GDP vẫn còn lạc hậu so với mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Năm 2020, tỷ trọng dịch vụ trong GDP chỉ tương đương mức 41% GDP của nhóm nước thu nhập trung bình thấp năm 2017. Tỷ trọng nông nghiệp của Việt Nam năm 2020 vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc năm 2017.

Xem xét từng chỉ số thành phần, Việt Nam đã có nhiều tiến triển tích cực trong một vài lĩnh vực. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác - những yếu tố vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo phát triển bền vững - vẫn còn yếu kém, thập chí tụt lùi so với năm 2018 như cơ sở hạ tầng, sức khỏe của người dân và hệ thống tài chính.

Tăng trưởng phải dựa vào công nghệ, chấp nhận rủi ro

Để khắc phục những vấn đề này, các chuyên gia này cho rằng cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Theo đó, việc này phải có cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương; cải cách về thể chế thị trường; khuyến khích và tạo điều kiện để tất cả tầng lớp nhân dân đều tham gia vào quá trình đổi mới và phát triển đất nước; xây dựng được nền tảng chính sách cho đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là có rủi ro. “Đổi mới sáng tạo là sẵn sàng làm một cái gì đó mới mẻ và phải biết chấp nhận rủi ro từ cái mới đó. Chấp nhận rủi ro đòi hỏi phải có sự kiên trì để đạt mục tiêu dài hạn, quyết định lựa chọn đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển. Nếu không biết chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro và thiếu sự kiên trì thì không thể có đổi mới sáng tạo”, tham luận nêu.

anh-ht-2.jpg
Tăng trưởng phải dựa vào đổi mới sáng tạo

Bên cạnh đó, cần tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển theo hướng tăng cường khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ FDI.

Điều này đòi hỏi những chính sách khuyến khích, thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa nội ngành và tới toàn bộ nền kinh tế.

Kinh nghiệm phát triển của các nước công nghiệp mới nổi cho thấy, các tập đoàn công nghệ có khả năng nâng tầm phát triển trình độ công nghệ quốc gia nếu nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ chính sách của Nhà nước, bao gồm cả các Quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô lớn.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ ràng sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, để có thể chuyển giao công nghệ có hiệu quả từ khu vực FDI, cần có những chính sách để thu hút hơn nữa toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả các ngành công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam.

Theo đó, cần xem xét ưu đãi thuế doanh nghiệp thống nhất cho tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các ngành công nghệ cao và đáp ứng đủ điều kiện như số tiền đầu tư vượt qua một tiêu chuẩn nhất định.

Nhà nước kiến tạo, liêm chính

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện thể chế; xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động thông qua cân bằng quyền lực trong bộ máy Nhà nước và giải quyết quan hệ lợi ích phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường (KTTT); tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện phân cấp quản lý với phân cấp ngân sách; tinh giảm và kiện toàn bộ máy.

“Hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính là khâu đột phá chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi những động lực truyền thống cho tăng trưởng dường như đã được khai thác tới hạn”, tham luận nêu.

Ngoài ra, cần mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm nhận diện, ngăn chặn và giải quyết hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng.

Để khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng trong điều kiện hiện nay đang còn rất yếu kèm, cần tập trung đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng, hạn chế những đặc quyền, đặc lợi của các DNNN.

Cùng với đó, thực hiện nhanh quá trình “cởi trói” cho DNTN. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương đã được “phân vai” với các nhiệm vụ cụ thể từ rà soát để loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính còn rườm rà, mang nặng tư tưởng “xin - cho”, đến việc xây dựng các cơ chế tài chính, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cần có chính sách thuế hợp lý theo hướng “nuôi dưỡng nguồn thu” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo đảm cho các doanh nghiệp này đỡ chịu gánh nặng thuế quá lớn trong khi họ chưa có đủ lực chống đỡ.

fdi.jpg
Thu hút  FDI chất lượng cao

Ngoài ra, cần cụ thể hóa những chính sách thu hút đầu tư FDI chất lượng, hạn chế các dòng vốn đầu tư FDI công nghệ thấp vào Việt Nam chỉ để tận dụng nhân công rẻ hay “rửa xuất xứ” để gia công; giảm dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một cách tràn lan và “xé rào” ở các địa phương.

Song song với đó là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia, tăng cường đầu tư vào quá trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia thông qua quan hệ đối tác công tư.

Bài liên quan
Vì sao ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay?
Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam xuống mức 6% so với mức dự báo 6,7% đưa ra trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp