Đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành đưa các dự án DAP-1, Ethanol Phú Thọ và Ethanol Bình Phước ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý.

Xem xét đưa một số dự án ngành công thương ra khỏi danh sách yếu kém

Lam Thanh | 26/11/2020, 15:00

Đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành đưa các dự án DAP-1, Ethanol Phú Thọ và Ethanol Bình Phước ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý.

Sáng 26.11, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan để chỉ đạo, xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

du-an.jpg
Công nghiệp tàu thủy Dung Quất là một trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương - Ảnh: Internet

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nghe báo cáo, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về hướng xử lý các vướng mắc liên quan đến Nhà máy đóng tàu Dung Quất như công tác quyết toán hợp đồng EPC dự án xây dựng (giai đoạn 1); quyết toán dự án tàu chở dầu 104.000 DWT giữa SBIC và PVN; xem xét đưa một số dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Đối với việc xử lý vướng mắc thực hiện quyết toán hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giai đoạn 1), Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương rà soát, xem xét kỹ lại các nội dung thỏa thuận ký kết của hợp đồng, đồng thời rà soát, kiểm tra lại các kết luận thanh tra liên quan đến hợp đồng để tiến hành xử lý dứt điểm trong tháng 12 năm 2020.

Về vướng mắc quyết toán tàu chở dầu 104.000 DWT, do SBIC và PVN chưa thống nhất được giá trị con tàu khi thực hiện chuyển giao nguyên trạng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ SBIC sang PVN, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng, SBIC và PVN họp bàn để thống nhất giá trị con tàu theo đúng quy định của pháp luật để tiến hành xử lý dứt điểm.

Về xem xét đưa một số dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành, PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đưa các dự án/doanh nghiệp DAP-1, Ethanol Phú Thọ và Ethanol Bình Phước ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, có căn cứ, cơ sở để có quyết định chính thức.

Tại phiên họp trước đó, Phó thủ tướng Thường nêu rõ: Đối với 5 dự án doanh nghiệp không có vốn góp trực tiếp của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước (có 2 dự án của Tổng công ty Thép-CTCP (thuộc SCIC), 3 dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi thuộc đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN quyết định việc xử lý vốn nhà nước tại các dự án này theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo tại Thông báo 132/TB-VPCP ngày 8.4.2019.

Cùng với đó, chỉ đạo SCIC xử lý việc thoái vốn của Tổng công ty Thép tại 2 dự án: Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái nguyên (TISCO-2) theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vinachem trình cấp thẩm quyền xử lý thoái vốn của Vinachem tại dự án DAP-1 Hải phòng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Đối với 3 dự án còn lại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các cơ quan dự họp, chỉ đạo Vinachem hoàn thiện phương án xử lý đối với dự án này, phân tích kỹ ưu nhược điểm, đánh giá tính khả thi từng giải pháp trong mỗi phương án, báo cáo ban chỉ đạo trước ngày 15.4.2020 để họp chuyên đề Ban Chỉ đạo về phương án xử lý 3 dự án này.

Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31.12.2019 là 20.938 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỉ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỉ đồng.

Ngoài 12 dự án này, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trung hạn 17.263 tỉ đồng, ngắn hạn 5.701 tỉ đồng. Đáng nói, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án, gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Tisco; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án Đạm Hà Bắc; Dự án DAP số 1 Hải Phòng; Dự án DAP số 2 Lào Cai; Nhà máy Đóng tầu Dung Quất với tổng dư nợ đến 31.12.2019 là 9.796 tỉ đồng.

Bài liên quan
'Siêu ủy ban' nhận xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương
11 trong tổng số 12 đại dự án kém hiệu quả của ngành công thương vừa chính thức được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hay còn gọi là "siêu ủy ban".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xem xét đưa một số dự án ngành công thương ra khỏi danh sách yếu kém