Xét tuyển các nguyện vọng như thế nào, thi tại các cụm thi địa phương có được xét tuyển ĐH-CĐ, học ngành nào để ra trường có cơ hội việc làm với mức thu nhập cao... Đó là những vấn đề được rất nhiều học sinh Phú Yên quan tâm tại buổi tư vấn sáng 15.3.
Xét tuyển các nguyện vọng như thế nào là mối quan tâm đông đảo của nhiều học sinh trong buổi tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.Chương trình đã thu hút gần 800 học sinh (HS) các trường THPT Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tôn, Lê Trung Kiên thuộc H.Đông Hòa, tỉnh Phú Yên tham dự.
Cân nhắc như thế nào khi chọn học ngành sư phạm?
Một HS Trường THPT Lê Trung Kiên thắc mắc: “Ở nguyện vọng 1, khi em đăng ký 4 ngành học ưu tiên,theo sở thích và đậu ngành thứ nhất rồi, nhưng em không thích nữa, em có được chuyển sang ngành theo thứ tự ưu tiên số 2 hay không?” Thạc sĩ Nguyễn Trần Phước Bảo, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Theo nguyên tắc chung, khi đã đậu vào nguyện vọng 1 ở ngành học em lựa chọn, thì không được xét ở ngành học ưu tiên thứ 2 và cũng không được xét 3 phiếu bổ sung còn lại. Do đó khi lựa chọn ngành học để đăng ký ở nguyện vọng 1, thí sinh cần cần nhắc thật kỹ để lựa chọn, tránh trường hợp sai sót phải thay đổi”.
Qụan tâm tới việc làm của khối ngành sư phạm, HS Nguyễn Thị Thu Hương gửi câu hỏi: “Hiện nay giáo viên đang thừa, sinh viên sư phạm ra trường khó có việc làm, vậy em có nên học sư phạm hay không?”. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vị, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, cho biết: “Trường có 8 ngành sư phạm nhưng năm nay chỉ xét tuyển 3 ngành sư phạm, đó là sư phạm tiếng Anh, sư phạm mầm non và sư phạm tiểu học. Lý do là vì số lượng giáo viên trong tỉnh đang dư. Đây là tình hình thực tế mà thí sinh cũng nên cân nhắc kỹ khi đăng ký học”. Ông Huỳnh Văn Sý, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp, Sở GD- ĐT Phú Yên, thông tin thêm: “Hiện nay lực lượng tốt nghiệp ngành sư phạm trong tỉnh còn tồn đọng nhiều, khoảng vài ngàn ở các bậc học. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển rất ít. Chẳng hạn năm học 2014 - 2015, tỉnh chỉ tuyển 115 giáo viên. Sau khi cân nhắc, nếu các em vẫn quyết định lựa chọn thi sư phạm thì cứ đăng ký và có thể tìm cơ hội việc làm ở địa phương khác”.
Thi ở cụm địa phương hay liên tỉnh?
Điều khiến không ít phụ huynh và HS băn khoăn là lựa chọn cụm thi địa phương hay liên tỉnh. Tư vấn cho HS Nguyễn Thu Hà, Trường THPT Lê Thánh Tôn, về việc thi ở cụm địa phương có xét được vào các trường CĐ chính quy không, Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, lưu ý: “Theo chủ trương của Bộ GD- ĐT, thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương do sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH-CĐ tổ chức thì chỉ được dùng kết quả để xét tốt nghiệp. Muốn vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH-CĐ thì thí sinh phải dự thi tại cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH-CĐ chủ trì. Tuy nhiên, thí sinh thi cụm địa phương vẫn có thể dùng kết quả học bạ để đăng ký vào các trường ĐH-CĐ có phương án tuyển sinh riêng”.
Hằng năm việc xác định điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các trường ĐH-CĐ được thực hiện khác nhau. Do đó, nhiều HS không rõ trường nào sẽ dùng một mức điểm cho tất cả các ngành, trường nào dùng nhiều mức điểm... Đây cũng chính là thắc mắc của Đặng Châu Anh, HS Trường THPT Nguyễn Văn Linh, nêu ra trong buổi tư vấn. Tiến sĩ Trần Thanh Long, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thông tin: “Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật có 15 ngành thì mức điểm xét tuyển của mỗi ngành là khác nhau, do đó điểm chuẩn cũng khác nhau. Năm 2014, ngành lấy điểm trúng tuyển cao nhất là kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế, khoảng 21-24 điểm. 2 ngành kinh tế học, hệ thống thông tin quản lý thấp nhất, 18 điểm”. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường, chẳng hạn như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhiều năm nay chỉ lấy một điểm chuẩn cho tất cả các ngành. Những thông tin này HS cần theo dõi trực tiếp trên website các trường.
Theo Mỹ Quyên – Minh Luân (Thanh Niên)