Ngày 25.6, TAND cấp cao tại Hà Nội xét kháng cáo của 10 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 2).
Trong phần thủ tục phiên tòa, một số luật sư đề nghị sự có mặt đầy đủ của giám định viên. Tuy nhiên, VKS nhận thấy kết luận giám định đã được nêu rõ trong hồ sơ vụ án; việc giám định viên vắng mặt tại phiên tòa không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm.
Trong số 10 bị cáo có đơn kháng cáo, bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC) bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
9 bị cáo còn lại có đơn kháng cáo gồm nguyên Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công các gói thầu, nguyên Kỹ sư vật liệu của các gói thầu. Họ bị TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với mức hình phạt từ 30 tháng tù đến 6 năm tù.
Trong vụ án này, 5 nhà thầu cũng kháng cáo. Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên buộc 5 nhà thầu phải bồi thường cho VEC thiệt hại của vụ án, được xác định 460 tỉ đồng.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, các nhà thầu là bên có trách nhiệm thi công công trình, tạo ra sản phẩm theo hợp đồng với chủ đầu tư; tư vấn giám sát và chủ đầu tư có lỗi trong quản lý hợp đồng giám sát thi công, cũng không làm giảm đi trách nhiệm của nhà thầu với chất lượng công trình…
Theo nội dung vụ án, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km. Nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng.
Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã không tuân thủ quy định; có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện ban quản lý dự án...