Trước sự việc cô đồng T.H. bổ cau với câu nói gây xôn xao dư luận "đúng nhận sai cãi" những ngày vừa qua, các chuyên gia văn hóa đã lên tiếng.

Xôn xao vụ cô đồng bổ cau ‘đúng nhận sai cãi’, chuyên gia văn hóa nói gì?

Theo Dân Việt | 07/02/2023, 15:08

Trước sự việc cô đồng T.H. bổ cau với câu nói gây xôn xao dư luận "đúng nhận sai cãi" những ngày vừa qua, các chuyên gia văn hóa đã lên tiếng.

Xôn xao cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi"

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh cô đồng T.H. hiện đang làm việc tại Kinh Môn (Hải Dương) nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau. Thông qua những đoạn video, đông đảo người tìm đến để xem bói rất nhiều.

Qua các video Tiktok này, có thể thấy cô đồng T.H. có thể đọc tên của những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Đặc điểm của những đoạn video được cô đồng T.H. đăng tải là mỗi lần bổ cau, cô có thể nói vanh vách 1 việc nào đó.

chupmanhinh.png
Số lượng người xem video của cô đồng T.H đều rất cao - Ảnh chụp màn hình

Cô đồng này cũng nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người khác. Theo thông tin được cô đồng T.H. chia sẻ thì cô không bao giờ nhận đặt cọc trước và mọi yêu cầu chuyển khoản đều là giả mạo.

"Bản thân lá số tử vi cung mệnh mình rất hợp với cô Chín đấy nhé, lộc con cô đấy! Người của cô, của của cô, gia bản trong tay cô, lộc cô chả thiếu chi chi, lộc cô không thiếu thứ gì đâu ạ. Cô đã thương ai tài lộc cô ban, cô thương ai cô hái lộc trên ngàn cô cho", cô đồng T.H. phán vanh vách khiến nhiều người xem cảm thấy rất "cuốn".

Trong nhiều đoạn clip được ghi lại, cô đồng này hỏi nhiều câu khiến người được "cô xem" ngượng ngịu trả lời: "Ở đâu đây, lại Bắc Giang, được cái mũi tử tế chỉ khổ tại cái tâm, đúng nhận sai cãi". Bên kia rụt rè đáp "Vâng ạ!". Cô phán tiếp: "Hồng nhan bạc phận, nữ tử bạc bẽo, cũng khổ về tâm lắm, rơi nước mắt âm thầm một mình không ai thấu hiểu cho mình. Đúng nhận sai cãi cho tôi cái nào!..."

Khi phán cho một người khác, cô đông T.H. đưa ra những lời lẽ khiến người nghe cảm thấy "sợ". "Không có các cụ đỡ cho thì giờ mồ yên mả đẹp, đỏ hương cứ ngồi mà ngắm chuối xanh với gà khỏa thân thôi. Đúng nhận sai cãi cho tôi cái.

Bàn tay này làm ăn lộc kinh doanh đấy, đúng nhận sai cãi cho cô, lá số tử vi trong cung mệnh đất cát nhà mình ở ngoài đường, trong ngõ thôi nhưng đều có cửa lớn, tính mình không thích nói nhiều đâu, cần bố rất cần không cần bố 'đ…' thèm cần luôn. Gần khu xóm nhà mình có ông nào bị tai biến như kiểu ảnh hưởng đến chân, ngẫm đi cho tôi cái nào? Đúng nhận sai cãi… Ở nhà không lộc không tài, không tiền, không phát… đi ra phát lộc phát tài, phát tiền, công danh, cả tình duyên… không đi hai bánh, không đi bốn bánh mà đi bằng cánh!?, trai có gái có đấy, đúng nhận sai cãi giúp tôi".

chupmanhinh2.png
Tiền của người dân gửi đến nhờ cô T.H. xem bói - Ảnh chụp màn hình

Chuyên gia văn hóa nói gì trước hiện tượng cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi"?

Câu nói 'đúng nhận sai cãi cho cô' của cô đồng T.H. ngay sau khi được lên sóng đã nhanh chóng tạo trend trên nền tảng xã hội như Tiktok hay Facebook. Ngay sau đó, một loạt các video Tiktok về phong cách của cô đồng T.H. cũng được các bạn trẻ bắt chước và cho ra đời. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cover lại hình ảnh cô đồng với nhiều vật phẩm như bổ quả dưa, bổ quả nhót... khiến dân mạng không khỏi tò mò và thích thú.

Những lời cô đồng này nói rất cuốn tuy nhiên, cư dân mạng cảm thấy nhiều từ ngữ vô lý, mang tính chất chung chung. Nhiều người cho rằng đây không khác gì mê tín dị đoan.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Dân Việt, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây là hoạt động mê tín, dị đoan, hoàn toàn không nên theo và không nên tin.

"Rõ ràng bói toán là hành vi mê tín dị đoan, vì vậy mọi người không nên mất tiền vào những việc này", ông Vĩ nhấn mạnh.

PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua.

"Trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển kéo theo một số hệ luỵ tồn tại khiến lực lượng chức năng khó xử lý. Hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan.

Mặt tích cực của hầu đồng đó là có thể giải thích bằng khoa học như là yếu tố tâm lý tác động vào cá nhân, xã hội cần được giải tỏa, giải phóng, có thể làm cho con người bớt đi nỗi ưu tư, bớt đi nỗi lo toan. Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, người dân phải cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân", ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, để người dân khỏi lo lắng, các cơ quan quản lý cấp Nhà nước cần phải làm cho nền kinh tế lành mạnh để mọi người hoạt động kinh tế đi vào bình thường, kết quả tốt cũng tạo ra sự yên tâm và ít tin vào tâm linh, may rủi hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xôn xao vụ cô đồng bổ cau ‘đúng nhận sai cãi’, chuyên gia văn hóa nói gì?