Hôm ấy, bà Dậu vét hết số tiền bán ve chai dành dụm được ra chợ mua một ít giò, một ít rau và mấy bìa đậu về nấu bữa cơm đợi con trai và con dâu về ăn.
Nhìn bà cụ già hơn 70 tuổi bị mù ngày ngày vẫn tự mình mò mẫm ngoài đường nhặt từng cái chai nhựa, lon bia người ta đem vứt đi để bán lấy tiền không ai không xót xa. Nhiều đứa trẻ trong làng hễ thấy bà đi qua không cần người lớn bảo cũng tự động vào nhà nhặt những chai lọ bỏ đi của nhà mình bỏ vào cái bao cho bà.
Ai cũng biết bà cụ nghèo lại mù mắt ấy là người phụ nữ bất hạnh. 40 tuổi bà Dậu mới lấy chồng và vợ chồng bà cũng chỉ sinh được một người con trai duy nhất là Hải. Năm Hải 2 tuổi thì chồng bà bị tai nạn lao động. Từ đó bà một mình vất vả nuôi con, với người mắt sáng đã khó với một người không nhìn thấy đường như bà thì còn khổ sở gấp nhiều lần.
Chẳng có ai giúp đỡ vì bố mẹ bà Dậu đã mất, nhà chồng thì ở xa, mà bà cũng chưa từng được về quê chồng lần nào thì ông đã bỏ bà đi rồi. Thế là nguồn vui, nguồn sống của bà chỉ có đứa con trai duy nhất. Số bà đã khổ, lúc nào cũng là màn đêm u ám nên bà quyết cho đứa con sáng mắt của mình có cuộc sống sung sướng.
Vậy là bà miệt mài làm ngày làm đêm, ai thuê gì bà cũng làm hết để dồn tiền lo cho con ăn học. Bạn bè cùng trang lứa nửa ngày đi học nửa ngày còn phải giúp bố mẹ làm việc nhưng Hải chỉ có mỗi việc học còn lại bà Dậu không bắt con làm gì, dù bà thì cả ngày chỉ được ngủ 4 tiếng. Bà vất vả là thế nhưng may mắn bù lại là con trai lại học rất giỏi. Năm nào Hải cũng đạt thành tích cao trong học tập suốt 12 năm học, và năm đó Hải đỗ vào một trường có tiếng với số điểm rất cao.
Bà Dậu mở mày mở mặt với làng xóm, ai cũng khen con trai bà giỏi nhưng người ta nhìn người mẹ mù cứ lom khom làm thuê, bê hết thúng cát này tới thúng cát khác kiếm tiền cho con ăn học thì ai cũng thương cảm. “Thôi thì bà ấy vất vả một đời, hi vọng thằng con thành người sau có hiếu biết đường báo đáp mẹ nó. Khổ cực cũng cam lòng”.
4 năm con trai học là 4 năm bà phải cố gắng cật lực làm việc gấp đôi gấp 3 những năm tháng trước. Mỗi lần con bảo sắp phải đóng học phí là người mẹ già mù đã 60 lại chạy long sòng sọc khắp đầu làng cuối xóm lo vay mượn trước gửi lên cho con đúng hạn sau đó lại làm để trả nợ. Cuối cùng những ngày tháng khó nhọc cũng qua đi, Hải ra trường và người ta nghe nói anh đã tìm được một công việc thu nhập ổn. Cũng phải thôi, Hải học giỏi thế cơ mà chuyện tìm được việc làm với anh đâu quá khó. Đã đến lúc bà Dậu được nghỉ ngơi rồi…
Thế nhưng không phải như thế. Từ khi nghe tin con trai bà đi làm người ta chẳng thấy Hải về thăm mẹ gì cả. Mãi tới ngày giỗ bố mới thấy anh về nhưng rồi chiều lại đi ngay, kể từ đó năm Hải về được 2 ngày: Một ngày giỗ bố và một ngày Tết rồi lại đi. Bà Dậu nhớ con, muốn con ở lại chơi lâu hơn thì Hải bảo: “Ở nhà làm gì hả mẹ, con còn phải đi kiếm tiền lo cho tương lai của con chứ. Chẳng lẽ mẹ lại muốn đời con cũng tối tăm như đời mẹ”.
Bà Dậu nuốt nước mắt vào trong không dám giữ con lại nữa. Cũng từ đó người dân trong làng bắt đầu hiểu ra rằng công sức bà Dậu đã đổ xuống sông xuống biển. Cả đời hi sinh cho con nhưng lại phải ngay thằng con bất hiếu không quan tâm gì tới mẹ cả. Người ta nghe nói mấy năm đó Hải ở trên thành phố làm ăn phát tài lắm, có cả ô tô riêng nhưng lúc bà Dậu ở quê bị trượt chân ngã đập đầu ngoài sân nằm bất động cả tuần liền con trai vẫn không thấy con trai đoái hoài về thăm mẹ một lần.
Người làng gọi điện lên Hải không nghe máy, mọi người thương tình cắt cửa nhau chăm sóc bà Dậu, may mắn làm sao bà lại qua khỏi. Tuy nhiên sau đợt ấy bà không làm thuê được nữa mà chỉ biết đi nhặt vỏ trai bán lấy tiền kiếm ăn qua ngày, tuy nhiên không bao giờ bà ngửa tay xin ai dù có đói.
Một hôm bất ngờ người ta thấy Hải về nhà, cũng chẳng ai thèm quan tâm tới kẻ bất hiếu ấy. Chỉ biết hôm sau bà Dậu sang hàng xóm khoe là ngày kia con trai bà lấy vợ, nó hứa sẽ đưa vợ về ăn cơm với bà. Tất nhiên một số người trong làng lên thành phố làm việc thì cũng đã biết cái tin ấy rồi. Đứa con trai 30 tuổi của bà giờ thành đạt lắm rồi, lại lấy vợ giàu sang phú quý, nếu nó biết đưa vợ về thăm mẹ thì cũng cò có chút suy nghĩ, ai cũng mừng cho bà.
Hôm ấy, bà Dậu vét hết số tiền bán ve chai dành dụm được ra chợ mua một ít giò, một ít rau và mấy bìa đậu về nấu bữa cơm đợi con trai và con dâu. Đây có lẽ là bữa cơm thịnh soạn nhất của bà 5 năm qua kể từ cái lần bà ngã suýt chết. Bà nấu nướng xong ngồi đợi con trai đưa vợ về như những gì Hải đã hứa với bà hôm về.
Thế nhưng… tới tối Hải vẫn không về, bà Dậu buồn bã đứng dậy hâm lại đồ ăn. Chắc là Hải vẫn bận khách khứa trên thành phố, có lẽ ngày mai nó mới đưa vợ về được. 1 ngày rồi 2 ngày trôi qua, bà vẫn ngồi đợi con trai và con dâu bên mâm cơm mà không ăn một thứ nào. Cứ tới bữa bà lại đứng dậy hâm lại đồ ăn tới mức những miếng thịt được đun đi đun lại teo như tóp mỡ, canh thì đã đổi màu.
Chiều tối ngày thứ 3 người hàng xóm sang chơi, tưởng Hải đã đưa vợ về thămmẹ thì thấy bà Dậu nằm bất động bên mâm cơm. Bà đã nhịn ăn 3 ngày nay, chỉ còn thở thoi thóp. Ông vội gọi người đưa bà đi cấp cứu và gọi đứa con tội lỗi của bà về nhưng không liên lạc được. Chưa kịp ăn với con trai và con dâu mới bữa cơm ấy thì bà Dậu đã trút hơi thở cuối cùng. Bà đâu biết rằng, thằng con trai mà bà đặt bao hi vọng, bà hi sinh cả đời nó chỉ hứa với bà một lời hứa xuông mà thôi.
Hải còn bận tiếp khách, còn bận chúc tụng nâng ly rồi đã đi máy bay hưởng trăng mật cùng vợ bên trời tây rồi, thế mà anh ta để người người mẹ già mù lòa ở nhà chờ đợi vì tin rằng con sẽ về. Đám tang bà Dậu, con trai không có mặt con dâu cũng không chỉ có bà con làng xóm tiễn đưa. Ai cũng xót xa, căm hận thương cho người mẹ mù bất hạnh...
Minh Minh