Bộ Xây dựng cho rằng một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành TPDN lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Xử lý sai phạm trong phát hành TPDN ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư

Sơn Lam | 01/02/2023, 09:11

Bộ Xây dựng cho rằng một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành TPDN lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Doanh nghiệp BĐS khó phát hành TPDN

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản năm 2022, tính đến 31.12.2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 800.000 tỉ đồng.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3% tổng dư nợ tín dụng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1% tổng dư nợ tín dụng.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24% tổng dư nợ.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỉ đồng, chiếm 18,16% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6%.

Bộ Xây dựng cho rằng trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.

thinh-2.jpg
Xử lý sai phạm trong phát hành TPDN ảnh hưởng lớn tới thị trường BĐS

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 28.10.2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành; đứng thứ 2 trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỉ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30.9.2022.

Trong 2 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm.

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỉ đồng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25.12.2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỉ đồng (chiếm 33,6%).

Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng sau những động thái chấn chỉnh thị trường TPDN, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn, nhất là Nghị định 65 ra đời “siết chặt” cả đầu vào lẫn đầu ra của TPDN.

“Ở đầu vào, Nghị định 65 quy định chặt chẽ hơn các điều kiện khi phát hành TPDN, còn ở đầu ra, các quy định cũng khiến các nhà đầu tư cá nhân khó tham gia mua TPDN. Ví dụ quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp với danh mục chứng khoán nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng hay mệnh giá TPDN phát hành riêng lẻ quy định tối thiểu là 100 triệu đồng (thay vì 100.000 đồng như trước)…”, ông Thịnh nói và đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 65 để khơi thông điểm nghẽn của thị trường TPDN.

thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Tại chỉ thị mới nhất, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 ngày 16.9.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 ngày 31.12.2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách về thị trường TPDN.

Theo đó, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán TPDN riêng lẻ, trong đó, đề xuất cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm; hoãn thực hiện quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày; bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu..., nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cân đối nguồn vốn cũng như gỡ khó thanh khoản cho thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tăng trưởng xanh là cốt lõi, nhưng quyết không 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi, nhưng kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý sai phạm trong phát hành TPDN ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư