Tình trạng khò khè thường rất gặp ở các trẻ nhỏ, bệnh đôi khi chỉ cần dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ, bệnh cũng có thể giảm dần rồi hết, nhưng với một số trường hợp các bé cần được điều trị sớm để tránh tình trạng bệnh chuyển sang mạn tính
Viêm hô hấp trên cấp tính
Để giải thích cho hiện tượng khò khè, chảy mũi ở những trẻ sơ sinh, các bác sĩ thường chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên. Nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này rất nhiều như: đường hô hấp trên của trẻ nhỏ hơn so với các trẻ bình thường khác, thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, nhiễm bệnh từ trẻ khác, dị ứng đường hô hấp với khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá…
Viêm đường hô hấp trên mạn tính
Nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ chuyển sang mạn tính. Trẻ sẽ bị chảy mũi thường xuyên hơn, khò khè nhiều vào ban đêm khi thời tiết xuống thấp.
Khi bé lớn hơn bệnh sẽ diễn ra nhiều hơn, trong một năm có thể bị viêm mũi từ 3 đến 4 lần, thời gian bệnh thường kéo dài, nước mũi nhanh chuyển sang màu xanh và rất đặc và thường dẫn đến biến chứng viêm tai giữa.
Biến chứng
Với các bé trên một tuổi khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính các bé thường có dấu hiệu hắt xì, chảy mũi, nghẹt mũi, ho, tắc tiếng. Nhưng với các bé sơ sinh, thường sẽ chảy mũi, nôn nhiều, hay quấy khóc…
Khi không được điều trị sớm bệnh sẽ chuyển sang viêm phế quản, viêm phổi và việc điều trị không đúng cách, không tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế sẽ khiến cho bệnh chuyển sang mạn tính.
Khi viêm hô hấp trên chuyển sang mạn tính, tình trạng của các bệnh nhi thường sẽ ho rất nhiều, rát cổ, khó nuốt, chảy mũi nhiều và thường có màu xanh. Vào ban đêm khi ngủ trẻ thường phải thở bằng miệng, tiếng thờ khò khè rất lớn.
Và biến chứng nguy hiểm nhất của viêm hô hấp trên mạn tính là viêm tai giữa, nếu không phát hiện sớm biến chứng này bệnh nhi có thể bị thủng màng nhĩ, giảm thính lực và tệ hơn có thể dẫn đến biến chứng nội so do viêm tai.
Chăm sóc trẻ như thế nào
- Phải luôn giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi.
- Luôn đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường để giữ ấm mũi và hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
- Thường xuyên vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy cho trẻ
- Tránh ngoáy mũi nhiều thì sẽ gây tổn thương phần tiền đình mũi và niêm mạc mũ
- Tránh tự ý dung các loại thuốc kháng sinh. Thuốc không rõ nguồn gốc.
- Nên vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
- Khi trẻ có biểu hiện chảy nước mũi kéo dài, mũi đặc gây khó thở nên đi kiểm tra các bác sĩ chuyên khoa.
Những lưu ý khi chăm trẻ
- Không nên tự ý mua thuốc nhỏ mũi điều trị cho trẻ tại nhà.
Vì các loại thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc chứa coricoid nếu dùng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết.Đặc biệt, khi có các tổn thương khu trú ở mũi mà dùng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid thì sẽ ức chế quá trình lành vết thương. Nếu lạm dụng thuốc co mạch có hoạt chất Xylometazoline 0,05-0,1% (biệt dược Otilin, Otdin, Coldi-B…) trẻ dễ bị ngộ độc thuốc
- Không Tự ý dùng nguyên liệu để xông
Vì sẽ rất nguy hiểm nếu duùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, nếu dùng lâu ngày có thể gây xơ cứng cuống mũi, dễ bị hư các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi, dễ nhiễm trùng và mắc các bệnh về hô hấp.
Nếu dùng không đúng hoặc quá liều, người xông sẽ gặp một số tác dụng phụ như tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, tăng nhịp tim, hồi hộp, thậm chí một số thuốc co mạch khi dùng để xông cho trẻ em dưới 10 tuổi sẽ gây co thắt, gây bệnh tim mạch, có thể tử vong…
- Không nên rửa mũi quá nhiều lần trong ngày
Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn.
Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn. Việc dùng quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác.
- Không dùng miệng hút mũi cho trẻ
Đây là một thói quen không tốt khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Việc làm này rất mất vệ sinh mà ngược lại sẽ tạo các nguy cơ khiến bệnh hô hấp của bé nặng hơn hoặc mắc bệnh khác. Vì trong hơi thở và miệng của người lớn có chứa nhiều vi khuẩn có hại cho bé, nhất là những người có bệnh về đường hô hấp, bệnh lây nhiễm thì rất nguy hiểm.
Hải Nam