Trung Quốc đã nổi lên như một nước đi đầu trong nghiên cứu các loại vắc xin chống coronavirus và vừa cấp bằng sáng chế vaccine COVID-19. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của vắc-xin kèm theo lo lắng về khả năng Bắc Kinh sử dụng vắc-xin trong các tranh chấp lãnh thổ, theo Nikkei .

Xuất hiện lo ngại Trung Quốc dùng vắc-xin COVID-19 để thủ lợi ở Biển Đông

17/08/2020, 15:15

Trung Quốc đã nổi lên như một nước đi đầu trong nghiên cứu các loại vắc xin chống coronavirus và vừa cấp bằng sáng chế vaccine COVID-19. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của vắc-xin kèm theo lo lắng về khả năng Bắc Kinh sử dụng vắc-xin trong các tranh chấp lãnh thổ, theo Nikkei .

Trung Quốc đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin - Ảnh: Internet

Trung Quốc có 9 ứng cử viên vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 5 vắc-xin ở Giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng trong quá trình để được phê duyệt. Thành tựu này là kết quả từ nhiều năm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm của các đơn vị quốc doanh. Tuần trước, nhà sản xuất thuốc CanSino Biologics của Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 tại Ả Rập Xê Út với 5.000 tình nguyện viên. Và đến hôm qua, tờ Nhân dân nhật báo dẫn tài liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc cho biết Ad5-nCOV của CanSino Biologics được cấp bằng sáng chế hôm 11.8 và đây là vắc-xin COVID-19 đầu tiên được cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc.

Trong số 29 loại vắc-xin mới đang được thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới, có 9 loại ở Trung Quốc, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Trong số bảy công ty đang thử nghiệm Giai đoạn 3, Trung Quốc có 5 công ty. Các loại vắc-xin của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ được đưa vào sử dụng trong vài tháng tới.

Tiến bộ đáng kể nêu trên là kết quả của mối quan hệ sâu sắc giữa các công ty dược phẩm và các Viện nghiên cứu do nhà nước tài trợ. CanSino là một công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, nhưng giờ nó đang tham gia nghiên cứu chung bên quốc phòng. Một nhà sản xuất thuốc khác, Sinopharm, đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối, là một công ty nhà nước, trong khi Sinovac Biotech là một liên doanh giữa Đại học Bắc Kinh và các công ty Hồng Kông. Tất cả các cái tên nêu trên đều được coi là thân cận với chính quyền trung ương trong khi Bộ Khoa học và Công nghệ được xem là đầu tàu trong chiến lược vắc-xin của đất nước.

Trong một Sách trắng về các biện pháp đối phó với coronavirus vào tháng 6, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng việc phát triển vắc-xin sẽ được tiến hành đồng thời bằng cách sử dụng 5 cách tiếp cận khác nhau. Trong khi chưa biết loại vắc-xin nào có thể được đưa vào sử dụng trong thực tế, Trung Quốc đã chọn thử tất cả để nước này luôn chủ động trước mọi tình huống.

Theo truyền thông Trung Quốc, CanSino và Sinovac đang chuẩn bị sản xuất hàng năm với công suất từ 100 đến 200 triệu liều với sự hỗ trợ của chính phủ.

Thế mạnh của Trung Quốc là loại "vắc-xin bất hoạt" sử dụng các thể vi rút hoặc vi khuẩn được nuôi cấy sau đó mất khả năng sinh bệnh. Ba trong số các vắc-xin của Trung Quốc trong giai đoạn 3 là loại này. Trên thế giới, có 5 đơn vị đang theo đuổi vắc-xin bất hoạt chống COVID-19, thì 4 là của Trung Quốc.

vắc-xin bất hoạt đã có từ rất lâu, và tính hiệu quả và an toàn của chúng đã được chứng minh. Tuy nhiên, vì vi rút được tạo ra bằng trứng gà và tế bào động vật, nên việc sản xuất tốn nhiều công sức và kém hiệu quả. Các nhà sản xuất dược phẩm châu Âu và Mỹ đã từ bỏ việc sử dụng phương pháp này, nhưng các công ty Trung Quốc lại thích đi theo con đường này với lý do lịch sử.

Thế mạnh của Trung Quốc trong vắc-xin vi-rút bất hoạt một phần là do kinh nghiệm trong quá khứ khi đối phó các bệnh truyền nhiễm lớn như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và cúm gia cầm. Trung Quốc liên tục dẫn đầu thế giới kể từ năm 2008 trong công nghệ bất hoạt vì nó là cốt lõi trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.

Công ty nghiên cứu Astamuse có trụ sở tại Tokyo, đã kiểm tra các bằng sáng chế liên quan đến việc ngăn ngừa nhiễm trùng do virus RNA như coronavirus chủng mới và bệnh cúm. Kết quả, họ tìm thấy 106 đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc vào năm ngoái, so với 61 của Mỹ.

Tuy nhiên, vắc-xin Trung Quốc hiếm khi được phân phối ra nước ngoài và chưa biết hiệu quả thực sự của chúng. Các thử nghiệm lâm sàng tập trung vào tốc độ, nhưng có rất ít thông tin về hiệu quả và tác dụng phụ. Một nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, ngay cả sau khi hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng, "sự lo lắng về an toàn vẫn còn".

Theo Nikkei của Nhật, nhiều nước cũng e ngại Trung Quốc sử dụng vắc-xin để thủ lợi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ. Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới hồi tháng 5 đã từng lên tiếng trấn an, thể hiện ý định chia sẻ vắc-xin coronaviruscho các nước khác.

Ông cho biết: “Việc phát triển và triển khai vắc-xin COVID-19 ở Trung Quốc, một khi sẵn sàng, sẽ được công khai trên toàn cầu. Đây sẽ là đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc-xin của các nước đang phát triển".

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thúc giục Trung Quốc dành ưu tiên trong việc cung cấp vắc-xin, bất chấp tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ở Biển Đông. Có thể Trung Quốc sẽ sử dụng vắc-xin như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng.

Đi trước Trung Quốc một bước, Nga đã bắt đầu sản xuất vắc-xin, tự hào rằng đây là vắc-xin đầu tiên trên thế giới. Hôm 11.8, Nga tuyên bố trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc-xin COVID-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba và được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.

Thử nghiệm Giai đoạn ba là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vắc-xin, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vắc-xin được cơ quan quản lý chấp thuận.

Giới khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vắc-xin của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn", dù Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định những hoài nghi về vắc-xin này là "vô căn cứ". Liệu vắc-xin của Trung Quốc có tạo được độ tin cậy hơn của Nga?

Anh Tú (theo Nikkei)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất hiện lo ngại Trung Quốc dùng vắc-xin COVID-19 để thủ lợi ở Biển Đông